Anonymous participant – 2024-05-05 12:37:29
Bài trên Tia Sáng có nhiều ý hay về tạp chí săn mồi.
“Trong năm bảy năm trở lại đây, trong làn sóng yêu cầu công bố với đặc điểm “đếm bài đo thành tích”, đặc biệt là cơn sốt chỉ chú trọng đăng bài trên hệ thống ISI-Scopus gần như là “khuôn vàng thước ngọc” đang càn quét khắp nơi, thì không ít các học giả khối ngành nhân văn đang bị lừa, bị ăn thịt bởi các tạp chí săn mồi bằng những thủ đoạn tinh vi. Thậm chí có một số người từ vị trí của một kẻ bị ăn thịt đang dần biến hình để trở thành kẻ đi săn những tạp chí săn mồi. Trong khi đó, nhiều cơ quan nhà nước đang sử dụng các bài ăn thịt này để nghiệm thu đề tài, khen thưởng thành tích khoa học, xét đạt đầu ra tiến sĩ, xét chuẩn giáo sư/ phó giáo sư, xét tặng nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Đây là một hiện tượng đáng báo động!”
“Hiện nay, khi đánh giá xếp hạng tạp chí khoa học, cách làm việc của Việt Nam thường là dựa vào các bảng danh mục có sẵn của nước ngoài, tiêu biểu là ISI và Scopus, mà loại ra các tiêu chuẩn quốc gia của Pháp, Nhật, Hàn, Trung Quốc… Cách làm này mặc dù có cơ sở nhất định, nhưng có nhiều điểm sơ hở. ISI-Scopus vốn không phải là một thứ khuôn vàng thước ngọc chính xác tuyệt đối, bởi một số tạp chí sau khi vào danh mục có thể đã “biến hình” thành tạp chí săn mồi để “thu hoạch” trong thời gian ngắn (vài ba năm). ISI-Scopus liên tục cập nhật đưa thêm tạp chí mới nổi, đồng thời cũng liên tục loại bỏ những tạp chí săn mồi khỏi danh mục. Nghĩa là danh mục uy tín đó liên tục thay đổi. Và ở bất kỳ thời điểm nào, với tỷ lệ nhất định, trong danh mục ISI-Scopus cũng luôn có mặt các tạp chí săn mồi kém chất lượng.”
“Chiến thuật của nhiều tạp chí săn mồi là phấn đấu được vào ISI, nhưng sau khi lọt vào danh mục thì họ bắt đầu thu lợi bằng cách tăng số lượng bài đăng. Trong giai đoạn phấn đấu vào ISI, các tạp chí thường xây dựng thương hiệu bằng cách đảm bảo mọi tiêu chí khắt khe của một tạp chí học thuật. Nhưng sau khi vào ISI, họ lập tức chuyển trạng thái sang mô hình ăn thịt. Để tăng doanh thu, họ dần đẩy số lượng bài đăng lên với tốc độ phi mã.”
“Việc thu tiền + tăng số lượng bài đăng là nhằm tạo ra mô hình kinh doanh có thặng dư, như một cỗ máy kiếm tiền. Điều này đặc biệt gây chú ý khi mà tiêu chuẩn đăng bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus được áp dụng trên nhiều nước, nhất là các nước các nước bên ngoài Anh-Mỹ. Điều đó kéo theo nguồn tiền được phân phối và chảy theo nhiều phương thức khác nhau.“
“Việt Nam hiện đang bị cuốn theo cơn bão của chủ nghĩa tư bản in ấn toàn cầu. Chuẩn khoa học của ta hiện đang sử dụng theo tiêu chuẩn cứng của các tập đoàn tư bản, và các cơ quan nghiên cứu Âu- Mỹ, mà chưa xây dựng được chuẩn quốc gia như CSSCI của Trung Quốc, hay KCI của Hàn Quốc. Hiện nay chúng ta đang bỏ qua rất nhiều trung tâm khoa học, truyền thống khoa học do tư tưởng “Âu tâm luận” (Euro-centrism) trong vấn đề quản lý khoa học.”
“Chủ nghĩa tư bản có đặc điểm là đẩy mạnh mô hình kinh doanh sao cho có lãi nhất. Tác dụng của nó là thúc đẩy năng suất lao động và công bố khoa học toàn cầu. Nhưng hệ lụy của nó là kéo theo “cơn bão dịch hạch” của đủ các loại tạp chí mạo danh, tạp chí săn mồi.”
“Để chống lại xu hướng này, hàng loạt quốc gia vừa xây dựng chuẩn quốc gia, xây dựng chuẩn quốc tế, vừa dựng lên các hàng rào pháp lý để làm “bộ lọc”, định hướng cho sự phát triển lành mạnh của khoa học. Năm 2018, Tổng Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành chỉ thị khuyến cáo các cơ quan lập danh mục các tạp chí có vấn đề để các nhà nghiên cứu Trung Quốc tránh bị “ăn thịt”. Năm 2020, Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc đã công bố danh mục TCQT đáng ngờ thuộc diện cảnh báo gồm 65 tạp chí ISI/WoS: 16 tạp chí thuộc nhóm Q1, 27 tạp chí Q2, 13 tạp chí Q3 và 7 tạp chí Q4. Việc ISI ăn thịt là có thật. 65 tạp chí này đã đăng 51.000 bài báo của Trung Quốc (chiếm 5% tổng công bố năm 2020), với số tiền thất thoát lên đến 96 triệu USD. Trong đó, các tạp chí này được xuất bản bởi Wiley (5), Elsevier (3), Springer (3), Hindawi (3), Taylor & Francis (2) và SAGE (2), MDPI (22). Năm 2023, Pháp cũng đã công bố 3400 tạp chí săn mồi thuộc lĩnh vực Y tế, Sức khỏe và Sinh vật.”
“Các cơ quan khoa học hàng đầu của Việt Nam (như Bộ KH&CN, các Viện Hàn lâm, các Đại học Quốc gia,…) cần phải có các văn bản tư vấn đến Nhà nước để có chủ trương, chính sách thực hiện một cách toàn diện và có hệ thống về tiêu chuẩn công bố khoa học, và liêm chính khoa học.”
Shared link: https://tiasang.com.vn/van-hoa/tieu-chi-tap-chi-san-moi-khoi-nganh-nhan-van/
Statistics:
Likes: 52, Shares: 5, Comments: 2
Like Reactions: 46, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 5, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0