Alméry Jacqueline – 2024-05-04 23:10:47
**Gian lận học thuật là sự lãng phí tiền thuế của dân**
*Cần minh bạch hơn để buộc các nhà nghiên cứu phải thực hiện trách nhiệm giải trình.*
Chính phủ Hoa Kỳ đã chi 471 tỷ USD hỗ trợ nghiên cứu học thuật trong thập kỷ qua. Các báo cáo gần đây cho thấy một phần đáng lo ngại của hoạt động nghiên cứu học thuật có nhiều sai sót, đạo văn hoặc gian lận.
Trong những tháng gần đây, một số trường đại học và trung tâm nghiên cứu ưu tú nhất nước Mỹ – bao gồm Đại học Columbia, Viện Ung thư Dana-Farber, Đại học Harvard và Đại học Stanford – đã vướng vào bê bối gian lận học thuật. Mặc dù những phát hiện này một phần nhờ vào các thám tử khoa học được trang bị phần mềm, các chuyên gia cho biết những hành vi sai trái trong học thuật có thể đã chưa được báo cáo đầy đủ. Chỉ 1/5 số bài báo bị gỡ bỏ là do lỗi không cố ý.
Hậu quả đối với sức khỏe cộng đồng là rất nghiêm trọng. Những trường hợp gỡ bài nổi tiếng bao gồm một số nghiên cứu về Covid-19 và nghiên cứu kết luận sử dụng vắc xin cho trẻ sơ sinh gây ra bệnh tự kỷ, bên cạnh những kết quả được trích dẫn rộng rãi về dinh dưỡng, ung thư và bệnh Parkinson. Niềm tin vào khoa học đã giảm sút nhanh chóng. Nhưng trong khi Quốc hội nhanh chóng đổ lỗi cho các tạp chí học thuật về thông tin sai lệch và quan điểm theo đảng phái, cơ quan này vẫn chưa làm được gì nhiều trước sự lãng phí tiền thuế của dân đổ vào những nghiên cứu kém chất lượng. Công chúng xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.
Trong nhiều thập kỷ, thế giới học thuật trầm lắng chủ yếu được chi phối bởi lòng tin. Các trưởng nhóm nghiên cứu được phép điều hành phòng thí nghiệm của họ theo cách tùy ý. Đồng tác giả của các bài báo khoa học chỉ sở hữu những đóng góp của họ. Chuyên gia bình duyệt cho các tạp chí học thuật có thể chất vấn các tác giả về phương pháp nghiên cứu hoặc kết luận nhưng hiếm khi tự kiểm tra và đánh giá dữ liệu.
Có rất nhiều cám dỗ gian lận trong môi trường lỏng lẻo như vậy. Sự thăng tiến trong sự nghiệp và khả năng tiếp cận các khoản tài trợ nghiên cứu phụ thuộc vào số lượng bài báo và số lượt trích dẫn của nhà nghiên cứu, một động lực được gọi là “*xuất bản hay diệt vong*”. Các tạp chí học thuật có ảnh hưởng có xu hướng thích đăng những nghiên cứu gọn gàng với kết luận hấp dẫn. Tuy nhiên, quá trình phát triển của khoa học thường lộn xộn và mang tính tiệm tiến hơn rất nhiều.
Việc giả mạo số liệu để tạo ra những kết quả nổi bật đã trở nên dễ dàng một cách đáng lo ngại. Một cuộc khảo sát với các nhà tâm lý học cho thấy 64% đã tham gia vào các hoạt động đáng ngờ một hoặc hai lần, bao gồm loại bỏ hoặc chỉnh sửa dữ liệu; hơn một phần tư thừa nhận thỉnh thoảng làm như vậy; và 10% thường xuyên. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội không đơn độc; khoa học y sinh và vật lý cũng có nhiều vết nhơ. Trong khi đó, các tạp chí có thể mất nhiều năm mới gỡ bài – nếu họ có ý định làm như vậy.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã thành lập Văn phòng Liêm chính Nghiên cứu cách đây ba thập kỷ sau một loạt vụ việc sai trái vào những năm 1980. Quyền lực của nó đã bị hạn chế ngay từ đầu. Cựu giám đốc David Wright, trong một lá thư từ chức gay gắt vào năm 2014, đã mô tả một cơ quan bị bó tay bó chấn bởi sự quan liêu và không thể chi số tiền ngân sách ít ỏi được dành cho việc giám sát nghiên cứu và tuyển dụng. “*Tôi cảm thấy bị xúc phạm với tư cách là một người đóng thuế ở Mỹ*,” ông viết và nói thêm rằng đó là “*công việc tồi tệ nhất mà tôi từng đảm nhận*”. Theo một số ý kiến, có rất ít thay đổi từ bấy đến nay.
Việc chuyển Văn phòng Liêm chính Nghiên dưới quyền tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh có thể hợp lý hóa các cuộc điều tra và cung cấp cho nhà điều tra những công cụ tốt hơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì chính phủ cần phải giải quyết thách thức lớn nhất, đó là: Chính phủ vẫn dựa vào hoạt động tự giám sát của các đơn vị nghiên cứu. Do các trường đại học có động cơ giảm thiểu thiệt hại về danh tiếng, các cuộc điều tra có thể kéo dài hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm, với rất ít trách nhiệm giải trình.
Với ý nghĩ đó, các nhà hoạch định chính sách nên thực thi yêu cầu rằng nhà khoa học nhận tài trợ từ ngân sách phải chia sẻ dữ liệu cần thiết để tái lập nghiên cứu cũng như công khai kết quả nghiên cứu cho dù chúng có dẫn đến kết luận nào hay không. Việc loại bỏ những kẻ gian lận khỏi nguồn tài trợ từ tiền thuế của dân là việc hợp lẽ thường, tương tự như tài trợ nhiều hơn cho các nghiên cứu tái lập có hệ thống.
Các đơn vị nghiên cứu và tạp chí cũng cần phải thay đổi. Cả hai nên ủng hộ phong trào khoa học mở, đòi hỏi sự minh bạch hơn và chia sẻ nhiều hơn về dữ liệu và phương pháp nghiên cứu. Các tạp chí nên yêu cầu các tác giả nộp đăng ký trước – một kế hoạch nghiên cứu theo thời gian cụ thể, được nộp cho tạp chí trước khi phân tích dữ liệu – điều này sẽ làm giảm động cơ sửa số liệu cho phù hợp với kết quả mong muốn. Các tạp chí nên công bố thường xuyên hơn những kết quả trái với giả thuyết và đòi hỏi khả năng tái lập hoặc thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên dữ liệu nghiên cứu. Các tạp chí cần phải phản ứng nhanh hơn nhiều trước những cáo buộc về hành vi sai trái.
**Đầu tư công vào khoa học đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu người. Hầu hết các nhà khoa học đều làm điều đúng đắn mỗi ngày. Điều đó khiến việc ngăn chặn những kẻ gian lận và khôi phục lòng tin của công chúng càng trở nên quan trọng hơn.**
Shared link: https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2024-05-01/academic-misconduct-and-fraud-hurt-public-trust-in-science
Statistics:
Likes: 28, Shares: 6, Comments: 3
Like Reactions: 25, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0