Minh Dang Doan – 2021-01-24 14:14:10
# Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa
Tháng 10/2020, báo chí đăng dồn dập các bài tố cáo những ứng viên GS/PGS hai ngành Y, Dược. Sau mấy tháng các đơn thư được gửi qua email, cuối cùng cũng có GS. Nguyễn Ngọc Châu đứng tên tố cáo để đưa lên mặt báo. Áp lực từ báo chí mạnh đến mức Bộ GD&ĐT phải lùi thời hạn công bố kết quả xét, để kiểm điểm lại chuyện xét hồ sơ ở hai ngành Dược, Y. Việc lùi thời gian xét hồ sơ cũng giúp cộng đồng có thêm thời gian đánh giá hồ sơ ứng viên và gửi bổ sung cho các hội đồng ngành.
Chúng tôi bắt đầu phân tích hồ sơ công bố quốc tế của các ứng viên hai ngành Y và Dược vào khoảng cuối tháng 10. Quá trình trao đổi thông tin trên mạng trước đó cũng cho thấy các tố cáo còn có ở những ngành khác, nhưng hồ sơ tố cáo ở hai ngành này nhiều và đang có GS. Châu theo đuổi nên chúng tôi tập trung vào đó. Những phát hiện sau đó đã được công bố dần trên diễn đàn Liêm Chính Khoa Học ở tuần đầu tháng 11, sau đó chúng tôi gửi cho HĐGSNN, các hội đồng ngành Dược, Y và một số quan chức về lĩnh vực giáo dục để họ xem xét thêm.
Kết quả xét chuẩn GS, PGS năm 2020, khi được HĐGSNN công bố, đáng gọi là thất vọng. Nó thể hiện sự kém cỏi của các hội đồng giáo sư hai ngành Y, Dược; nó cũng thể hiện quy trình xét duyệt đến ba cấp cũng chả có tác dụng sàng lọc được người xứng đáng: hội đồng GS cơ sở thì hoặc không đủ chuyên môn hoặc không đủ bản lĩnh để loại bỏ những hồ sơ kém, hội đồng GS ngành thì thiếu năng lực để đánh giá chất lượng nghiên cứu, chỉ khéo che đậy sản phẩm lỗi của mình, hội đồng GS nhà nước chắc cũng chỉ bỏ phiếu cho có lệ. Lúc công bố kết quả xét GS, PGS, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn trơ tráo phát biểu là các phản hồi của cộng đồng khoa học đã được xem xét và có đóng góp tích cực cho việc xét duyệt. Để tôi tóm tắt kết quả gửi góp ý về ứng viên hai hội đồng Dược, Y cho cộng đồng khoa học cùng biết:
* Ngày 11/12/2020, tôi gửi email bản góp ý cùng hồ sơ làm rõ công bố NCKH của các ứng viên Y, Dược cho các vị sau: Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng bộ GD&ĐT; Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; lãnh đạo và chánh văn phòng của Hội đồng GS nhà nước; tất cả các thành viên của hội đồng GS ngành Y và ngành Dược. Email đó tôi cũng gửi CC cho các GS Nguyễn Ngọc Châu, Phạm Đức Chính, và một số GS hay phát biểu trên truyền thông.
* Kết quả: không hề có một trả lời nào từ các quan chức giáo dục, từ hội đồng GS nhà nước, lẫn đại diện các hội đồng hai ngành Y, Dược. Tôi có hỏi riêng GS. Vũ Thị Minh Thục về chuyện các bài báo ở tạp chí GMR thì cô Thục có cho biết sơ bộ là các bài báo đó không được tính điểm do chưa đăng báo. Còn lại không hề có phản hồi gì về những tạp chí dỏm, bài báo vi phạm liêm chính liên quan đến các ứng viên Y, Dược mà tôi đã nêu cụ thể trong email (bản email đó có công bố trên trang viet-studies.net).
* Hai hội đồng GS ngành Y và Dược đã làm gì sau khi nhận email của tôi: theo tôi để ý thì thấy họ có làm công văn gửi Hội Di truyền Y học VN để yêu cầu báo cáo về vụ tạp chí GMR, để có văn bản trả lời (rằng các bài báo chưa được đăng do hội thảo chưa diễn ra) làm căn cứ cho việc loại các ứng viên ngành Y bị kẹt bài ở tạp chí này. Coi như là phản ứng đối phó cho có, vì chuyện về các bài ở tạp chí GMR khá rõ ràng và chỉ chiếm chưa đến 1/20 nội dung thư góp ý của tôi. Còn cả chục tạp chí dỏm đăng hàng loạt bài của ứng viên hai ngành Dược, Y trong đó thì họ chả đả động đến.
Lúc chúng tôi phân tích hồ sơ ứng viên hai ngành Y, Dược, có tin nhận xét là năm ngoái đám tham gia đường dây tạp chí dỏm của Võ Quang Trung chạy trót lọt được một vị ứng viên GS ngành Y, nên năm nay cả đội hùa theo. Đúng là hồ sơ năm 2020 cho thấy khá nhiều vị liên quan đến đường dây của Võ Quang Trung, bên cạnh đường dây của Chu Đình Tới. Kết quả: những phản ánh của cộng đồng khoa học chỉ chặn được thêm mỗi mình Võ Quang Trung (đăng ký PGS ngành Dược 2020, được hội đồng ngành Dược ban đầu xét cho qua, sau khi bị tố cáo thì họ đành phải gạt tên Võ Quang Trung ra, có lẽ vì ông Lê Quan Nghiệm chủ tịch hội đồng GS ngành Dược bị dính nhiều bài báo với Võ Quang Trung). Những cái tên sau chúng tôi thấy xứng đáng bị loại nhưng cuối cùng vẫn được hội đồng GS nhà nước xét cho qua:
* Nguyễn Duy Bắc, ứng viên GS ngành Y, đến từ học viện Quân y: đứng tên 25 bài ở nhiều chuyên ngành Y trong một special issue có vấn đề của một tạp chí Macedonia (số đó có 48 bài, có 24 bài do Chu Đình Tới đứng tên, còn nếu kể cả đồng bọn của Tới thì họ đứng tên hầu hết các bài trong số đó).
* Tạ Văn Trầm, ứng viên GS ngành Y, từ Bệnh viện đa khoa Tiền Giang: vi phạm liêm chính rõ ràng về khai man số liệu nhằm nhân bản bài báo, mượn các tạp chí dỏm của đường dây Võ Quang Trung để đăng bài.
* Trần Diệp Tuấn, ứng viên GS ngành Y, từ ĐH Y Dược TPHCM: ở ngành Y mà phải tham gia đường dây publish bài ở tạp chí dỏm ngành Dược của Võ Quang Trung (hổ danh hiệu trưởng đại học y dược TPHCM).
* Nguyễn Đức Tuấn, ứng viên GS ngành Dược, ở ĐH Y Dược TPHCM: nếu trừ đi những bài ở tạp chí dỏm trong đường dây của Võ Quang Trung thì hết bài báo quốc tế trong 5 năm gần đây, đánh lận một bài chưa được review là bài đăng chính thức ở tạp chí có chỉ số IF cao (và ông ấy chỉ là tác giả phụ).
* Châu Văn Trở (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Nguyễn Tuyết Xương (Bệnh viện Nhi trung ương), là các ứng viên PGS ngành Y: hai vị này chỉ có vài bài quốc tế ở các tạp chí dỏm, cả sự nghiệp publish báo quốc tế chỉ xuất hiện trong 2-3 năm.
Còn một số ứng viên khác cũng dính líu đến những tạp chí dỏm mà chúng tôi có điều tra ra, ở trên là những cái tên nổi cộm, mà sau phản hồi của cộng đồng thì họ vẫn được hội đồng GSNN thông qua.
Đầu tháng 11, chúng tôi có được biết là các tờ báo lớn bị chỉ đạo không được đăng tiếp về vấn đề xét GS/PGS. Có lẽ là họ sợ ảnh hưởng đến đại hội Đảng sắp tới. Các vị tân GS, PGS nêu trên chắc vô vàn cảm ơn đại hội Đảng 🙂 , nếu không có chỉ đạo đó thì báo chí đã dập cho tơi bời, các hội đồng ngành Y, Dược muốn lấp liếm cũng không được.
Dù sao, việc tổ chức xét duyệt GS, PGS theo kiểu phiên phiến hoặc lấp liếm cũng không thể kéo dài lâu được. Hiện nay Việt Nam đang tăng tốc cải cách chính sách, cộng với áp lực cạnh tranh quốc tế, thì ngành giáo dục rồi cũng phải làm việc đàng hoàng hơn. Làm sao xã hội có thể chấp nhận những vị GS, PGS ngồi nhầm chỗ, đứng tên ké bài báo hay publish các công trình nghiên cứu dỏm chỉ để lấy các danh hiệu (nhằm kiếm chác qua những đề tài nghiên cứu lấy tiền nhà nước)?
Tôi nghĩ tương lai của kiểu xét GS, PGS như 2020 khó kéo dài lâu, mong là cộng đồng khoa học Việt Nam ngày càng đề cao các tiêu chí chất lượng, đòi hỏi tầng lớp tinh hoa của cộng đồng có tinh thần làm việc chu đáo. Các nhà khoa học cần nêu cao tác phong làm việc đến nơi đến chốn, vì họ thường là đối tượng được giới cần lao ngưỡng mộ; nếu để nhân dân ngưỡng mộ các vị giáo sư tiến sĩ dỏm, xóa nhòa ranh giới thật giả thì không chỉ có tội với khoa học mà còn kéo lùi sự phát triển của đất nước.
—
Các bài viết về hồ sơ GS, PGS năm 2020 có trong danh mục sau:
https://www.facebook.com/notes/li%C3%AAm-ch%C3%ADnh-khoa-h%E1%BB%8Dc/danh-m%E1%BB%A5c-b%C3%A0i-vi%E1%BA%BFt/2843656842560805/
Vụ xét GS, PGS 2020 được điểm lại trong bài sau:
https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/591072758806227
Statistics:
Likes: 179, Shares: 15, Comments: 22
Like Reactions: 147, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 6, Love Reactions: 14, Sad Reactions: 10, Angry Reactions: 0