Alméry Jacqueline – 2024-04-09 22:23:14
**Công bố các kết quả tiêu cực là việc tốt cho khoa học**
Làm khoa học rất khó. Có thể mất nhiều năm mới tìm ra điều kiện thích hợp để nuôi cấy một vi sinh vật cụ thể, khám phá các thành phần cụ thể để thực hiện thí nghiệm hoặc để hiểu nhiều enzyme và điều kiện của một con đường tín hiệu cụ thể. Thông thường, các thí nghiệm không diễn ra theo đúng kế hoạch. Nghiên cứu trước đây không thể lặp lại, một loại thuốc rất hứa hẹn trong môi trường nuôi cấy tế bào không hoạt động trên mô hình động vật hoặc dữ liệu thu được có thể không phù hợp với một giả thuyết hấp dẫn. Sổ tay nghiên cứu và tầng hầm phòng thí nghiệm chứa đầy những kết quả tiêu cực.
Điều đó không có nghĩa là những phát hiện tiêu cực như vậy vô giá trị. Bởi vì các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm của họ dựa trên công trình mà những người khác đã xuất bản trước đây, nên việc không chỉ biết thí nghiệm nào hiệu quả mà còn cả thí nghiệm nào không hiệu quả là rất có giá trị. Sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các nhà nghiên cứu nếu họ biết những gì người khác đã thử, để họ có thể tập trung vào những cách tiếp cận thay thế.
Nhưng việc công bố kết quả tiêu cực là điều khó khăn. Hầu hết các tạp chí đều tìm kiếm những dữ liệu mới lạ, hấp dẫn và dễ làm truyền thông. Các nghiên lặp lại hoặc kết quả tiêu cực có thể rất có giá trị để chia sẻ với các nhà khoa học khác nhưng lại khó được công bố. Các biên tập viên không mong đợi những nghiên cứu này sẽ được đọc và trích dẫn thường xuyên; vì vậy chúng thường bị từ chối và không bao giờ được công bố, dẫn đến thiên kiến xuất bản của các nghiên cứu tích cực.
Đồng thời, áp lực công bố của các nhà khoa học ngày càng gia tăng. Cộng đồng khoa học hiện nay thích tập trung vào các con số dễ đo lường, chẳng hạn như số lượng bài báo mà một nhà khoa học đã công bố, hệ số tác động của tạp chí mà các bài báo đó đã được xuất bản, hoặc số lần các bài báo được trích dẫn. Những con số như vậy không nhất thiết đánh giá đúng năng lực và trình độ của một nhà nghiên cứu, nhưng chúng rất dễ áp dụng nếu, ví dụ: lựa chọn một ứng viên cho một vị trí công việc trong số hàng trăm ứng viên.
Việc tập trung hạn hẹp vào xuất bản những dữ liệu tích cực và hấp dẫn, kết hợp với áp lực xuất bản ngày càng lớn đã khiến một số nhà nghiên cứu tìm cách đi đường tắt – hoặc tệ hơn. Nếu các thí nghiệm không mang lại kết quả tích cực để công bố, mọi người có thể cảm thấy muốn gian lận. Không phải vì họ bắt đầu sự nghiệp khoa học với mục đích làm khoa học lừa đảo. Nhưng vì họ cảm thấy bị áp lực bởi các yêu cầu nghiêm ngặt của trường đại học về việc phải xuất bản một số bài báo trước khi họ có thể lấy bằng tiến sĩ, bác sĩ hoặc được bổ nhiệm; hay bởi một người đứng đầu nhóm nghiên cứu bắt nạt, đe dọa sa thải họ trừ khi họ cung cấp đúng dữ liệu được yêu cầu. Thiệt hại cho khoa học là rất lớn. Những kẻ lừa đảo trong các lò bán bài báo và các băng nhóm trích dẫn đã gây ô nhiễm nguồn tài liệu khoa học bằng cách sản xuất số lượng lớn bài báo chất lượng thấp với dữ liệu giả mạo. Hiện tại, người ta ước tính rằng khoảng 2% tổng số bài báo khoa học có thể là sản phẩm của các lò bán bài.
Việc cho phép các nhà nghiên cứu có thể công bố các kết quả tiêu cực sẽ có lợi cho khoa học theo nhiều cách.
Đầu tiên, nó ngăn chặn những nỗ lực trùng lặp, trong đó các nhà nghiên cứu có thể mất công kiểm tra một giả thuyết đã được những người khác chứng minh là sai trước đây nhưng kết quả không được công bố. Việc phổ biến kết quả tiêu cực cho các nhà khoa học khác sẽ tiết kiệm đáng kể công sức và tiền bạc nghiên cứu.
Thứ hai, việc công bố các kết quả tiêu cực sẽ dẫn đến ít thiên kiến hơn đối với các nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta-analysis) trong tương lai, vốn có khả năng đưa ra kết luận sai nếu không tính đến kết quả tiêu cực vì chúng chưa bao giờ được công bố. Kết quả ít thiên kiến sẽ đảm bảo những phân tích tổng hợp như vậy có giá trị hơn nhiều.
Trong trường hợp thí nghiệm trên động vật hoặc nghiên cứu có sự tham gia của con người, sẽ là phi đạo đức nếu không công bố những dữ liệu đó. Những nghiên cứu như vậy có thể liên quan đến việc mất mạng sống của động vật hoặc bệnh nhân tham gia vào những nghiên cứu tiềm ẩn rủi ro, và các nhà khoa học có nghĩa vụ đạo đức phải công bố những gì nghi nhận được trong nghiên cứu, bất kể kết quả thế nào. Việc đăng ký trước (pre-registration) các thử nghiệm lâm sàng là một động lực lớn để công bố các kết quả tiêu cực, nhưng những nỗ lực nghiên cứu trên động vật đang bị tụt lại phía sau. Lập luận tương tự có thể áp dụng đối với các nghiên cứu được tài trợ bằng tiền của người dân đóng thuế hoặc thông qua quyên góp. Ngay cả kết quả vô hiệu (null) cũng xứng đáng được công bố.
Ngoài ra, việc công bố kết quả tiêu cực cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực tái lập. Nếu các nhà nghiên cứu biết rằng nỗ lực tái lập của họ sẽ được xuất bản, ngay cả khi kết quả cho thấy một nghiên cứu không thể lặp lại, thì điều đó có thể khuyến khích nhiều nghiên cứu như vậy hơn. Nó cũng có thể làm sáng tỏ những chi tiết còn thiếu, hóa ra lại quan trọng, trong các phương pháp nghiên cứu.
Hơn nữa, nó tưởng thưởng cho nhà khoa học vì sự nghiêm túc và nỗ lực, trong đó hàng tháng hoặc hàng năm trời lao động của họ sẽ được công bố ngay cả khi kết quả là tiêu cực. Điều này sẽ giúp khoa học tập trung nhiều hơn vào chất lượng thay vì số lượng.
Và cuối cùng, khả năng công bố các kết quả tiêu cực sẽ làm tăng tính trung thực của nghiên cứu, nơi các nhà khoa học có thể không cảm thấy bị áp lực phải làm sai lệch hoặc bịa đặt dữ liệu để làm cho kết quả của họ trông ‘tốt hơn’.
Statistics:
Likes: 401, Shares: 63, Comments: 17
Like Reactions: 326, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 70, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0