Duong Tu – 2021-01-05 00:21:05
**Tạp chí khoa học trở thành nạn nhân của mạng lưới biên tập viên lừa đảo có tổ chức**
Ngày 16/12/2020 vừa rồi, ban biên tập Journal of Nanoparticle Research, một trong những tạp chí đầu tiên về công nghệ nano, vừa đăng một bài xã luận thông báo họ là nạn nhân của một nhóm lừa đảo có tổ chức.
Cụ thể, vào tháng 9/2019, tạp chí này nhận được đề nghị mở một số đặc biệt (special issue) với chủ đề “Role of Nanotechnology and Internet of Things in Healthcare”. Đề cương được viết rất tốt về một chủ đề hấp dẫn và đúng thời điểm, kèm theo một danh sách dài những tác giả tiềm năng có thể đóng góp bài vở. Nhóm đề xuất mở số đặc biệt này đều là những nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật từ các trường uy tín ở Đức và Anh. Mọi thứ nhìn có vẻ rất ổn.
Cẩn thận hơn, biên tập viên điều hành của tạp chí này còn kiểm tra header của các email trao đổi với nhóm tác giả và nhận thấy chúng đều được gửi đi từ các tài khoản của trường đại học. Từ đó, ban biên tập đã chấp thuận đề nghị, tạo một số đặc biệt trong hệ thống biên tập rồi cấp quyền biên tập cho 3 nhà khoa học nổi tiếng đã đề xuất mở số đặc biệt này để tiếp nhận và xử lý các bản thảo.
Vài tháng sau, ban biên tập bắt đầu để ý thấy một số lượng lớn bản thảo được nộp cho số đặc biệt này, nhiều bản thảo đã được chấp thuận công bố. Thoạt tiên, ban biên tập tỏ ra rất vui mừng bởi số đặc biệt đã thu hút được nhiều bản thảo và sự quan tâm của cộng đồng khoa học.
Tuy nhiên, khi ban biên tập xem nội dung của các bản thảo, họ nhanh chóng nhận ra hầu hết bản thảo có chất lượng rất thấp và/hoặc không phù hợp với chủ đề của số đặc biệt. Lúc này, 19 trong số 80 bản thảo nộp cho số đặc biệt này đã được chấp thuận công bố và/hoặc đã xuất bản.
Ban biên tập lập tức tiến hành điều tra và phát hiện ra rằng 3 nhà khoa học nổi tiếng đã đề xuất mở số đặc biệt này đều là những kẻ mạo danh. Thật vậy, nhóm biên tập viên lừa đảo có tổ chức đã sử dụng tên tuổi và địa chỉ email của các nhà khoa học nổi tiếng để lũng đoạn quá trình bình duyệt và biên tập.
Vào tháng 8/2019, nhóm này đã mua một số tên miền website rất giống với tên miền của các trường đại học ở Đức và Anh. Khác biệt duy nhất trong những tên miền dỏm này so với tên miền của website các đại học là “univ” thay cho “uni” (thêm chữ v), hoặc địa chỉ email có đuôi “-ac.uk” thay cho “ac.uk” (thêm dấu gạch ngang).
*
Trước thông báo của Journal of Nanoparticle Research đúng 1 năm, ngày 16/12/2019, Tổng biên tập tạp chí Physical and Engineering Sciences in Medicine cũng đã phải lên tiếng qua một bài xã luận sau khi tạp chí này có nguy cơ bị lợi dụng để lừa đảo: https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs13246-019-00835-5
Theo mô tả, một nhóm lừa đảo đã mạo danh cách nhà khoa học uy tín bằng cách tạo các địa chỉ email na ná email của các nhà khoa học này (chẳng hạn thay dấu chấm bằng dấu gạch ngang, chèn thêm hay thay thế một ký tự như thay researcher@themoonuniversity.com bằng [researcher@themoomuniversity.com](mailto:researcher@themoomuniversity.com) – khác nhau mỗi ký tự n và m) để đề xuất mở các số đặc biệt trên các tạp chí nghiêm túc.
Khi đề xuất được chấp thuận, nhóm lừa đảo sẽ sử dụng thông báo mở số đặc biệt của tạp chí cùng địa chỉ email giả mạo để bắt các tác giả nộp bản thảo phải chuyển tiền trực tiếp cho nhóm lừa đảo: https://retractionwatch.com/2019/12/27/disbelief-researchers-watch-out-for-this-new-scam-involving-journal-special-issues
***
Ban biên tập Journal of Nanoparticle Research thừa nhận rằng họ đã bất cẩn, nhưng cũng nói thêm rằng không ai nghĩ ra có những nhà khoa học có thể gian dối đến mức độ như vậy, tức là tổ chức cả một mạng lưới lừa đảo, đề xuất mở một số đặc biệt có giá trị và hấp dẫn trên một tạp chí khoa học nghiêm túc, chỉ để xuất bản được vài bài báo.
Ngoài chuyện giả mạo tên tuổi các nhà khoa học uy tín, ban biên tập còn phát hiện nhiều bất thường trong các báo cáo bình duyệt và danh tính của chuyên gia bình duyệt. Tất cả bằng chứng đều chỉ ra rằng một nhóm lừa đảo có tổ chức đã thành công trong việc xâm nhập tạp chí khoa học với mục đích xuất bản vài bài báo từ những kẻ giả khoa học.
Trong những tuần sau đó, ban biên tập đã kiểm tra kĩ từng bản thảo nộp cho số đặc biệt nhưng chưa được chấp thuận công bố và đã từ chối tất cả những bản thảo được cho là có liên quan đến mạng lưới lừa đảo. Những bản thảo nghiêm túc được giao cho các biên tập viên của tạp chí để xử lý như với các bản thảo thông thường khác. Với những bản thảo đã được chấp thuận công bố nhưng chưa xuất bản, quá trình xuất bản bị tạm dừng để ban biên tập trao đổi với các tác giả. Những bài báo đã công bố phù hợp với nội dung tạp chí đang phải trải qua quá trình bình duyệt sau xuất bản (post-publication peer review). Ban biên tập cho biết họ sẽ có những hành động hợp lý và minh bạch để bảo đảm sự liêm chính của hoạt động xuất bản.
Ban biên tập Journal of Nanoparticle Research nhận định vụ lừa đảo này có thể chỉ là đỉnh của tảng băng gian lận và nói họ sẽ áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh lặp lại sự cố. Tuy nhiên, các biện pháp đó chắc chắn là không đủ khi đối mặt với vấn nạn đã diễn ra nhiều năm qua, đó là sự gia tăng theo hàm số mũ những bài báo được công bố do áp lực đối với nhà khoa học phải xuất bản ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng xuất hiện một số lượng khổng lồ những công trình chất lượng thấp và vô bổ.
Ban biên tập Journal of Nanoparticle Research đề nghị các quốc gia, các tổ chức tài trợ và các trường đại học nên thúc đẩy khoa học chất lượng cao, tránh khuyến khích, chạy đua hay tạo áp lực phải tăng nhanh số lượng bài báo theo cấp số nhân.
Shared link: https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs11051-020-05094-0
Statistics:
Likes: 240, Shares: 19, Comments: 8
Like Reactions: 187, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 41, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 5, Angry Reactions: 2