Hai Dang – 2024-01-20 12:01:09
**NGHI VẤN MỘT THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG LCKH.**
Xin trình bày một case study của tôi về một trường hợp là thành viên HĐ GSNN nhưng có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về LCKH. Các vi phạm nghi vấn bao gồm:
**1. Xuất bản trùng lặp, tự đạo văn.**
**2. Có dấu hiệu làm giả mạo số liệu.**
**3. Xuất bản trên các tạp chí săn mồi.**
**4. Chất lượng trình bày, nội dung khoa học thấp.**
Link hồ sơ online trên websie HĐGSNN:
http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/LLKH%20Thanh%20vien%20cac%20HD%20nganh%202020/2-HD%20Co%20hoc%20LLKH%202020/2-HD%20Co%20hoc-GS%20NT%20Chung_0001.pdf
Link Google Scholar:
https://scholar.google.com.vn/citations?user=q04ULAsAAAAJ&hl=vi
Do điều kiện công tác ở nước ngoài đã lâu, cũng có ít bạn bè ở Việt Nam nên việc có được nguồn cho tất cả các bài báo, sách được ứng viên khai trong hồ sơ (gồm 93 bài báo KH và 08 đầu sách) la khá khó khan, tôi xin đưa ra phân tích về 08 bài báo và 01 sách chuyên khảo (quốc tế) ở đây. Trong đó có một số bài báo mới xuất bản gần đây, tức sau thời điểm nộp hồ sơ ứng viên HĐGSNN nên không có trong hồ sơ, được tôi tham khảo, và kiểm tra đúng tên, địa chỉ tác giả qua Scholar và file gốc bài báo. Các tài liệu khác tôi không có nguồn để phân tích, nếu bạn nào có bản scan hoặc link tải online từ các tạp chí ở VN thì có thể gửi cho tôi, hoặc có thể upload trực tiếp lên đây để mọi người cùng xem xét, thảo luận thêm.
Do nội dung phân tích dài, tôi tóm tắt các lỗi ở phần text; các phân tích, lập bảng so sánh cụ thể cho từng bài báo tôi để trong hình ảnh (bao gồm phân tích cho 08 bài báo).
Rất mong được các bạn góp ý, dẫu sao vẫn là nhận định cá nhân nên có thể có sai sót, mong cùng mọi người thảo luận một cách công tâm, minh bạch.
===========================================
**I. BÀI BÁO KHOA HỌC:**
***1. Bài số 1+2:***
***1a. Bài số 1:***
**Phân tích động lực học dầm có vét nứt trên nền đàn hồi chịu tác dụng của khối lượng di động.**
Journal: Tạp chí giao thông vận tải
Year: 2016
Link: https://tapchigiaothong.vn/phan-tich-dong-luc-hoc-dam-co-vet-nut-tren-nen-dan-hoi-chiu-tac-dung-cua-khoi-luong-di-dong-18326399.htm
– Không chỉ rõ lý thuyết dầm được sử dụng trong nghiên cứu (theo phỏng đoán của người viết là lý thuyết dầm Timoshenko).
– Mặc dù dùng phương pháp phần tử hữu hạn, nhưng hàm dạng của phần tử không được chỉ ra trong bài báo.
– Ma trận độ cứng phần tử liên quan đến nền đàn hồi và mô hình nền không rõ ràng.
– Thiếu điều kiện biên.
– Phân tích kết quả trên các đồ thị chuyển vị, gia tốc, lực cắt và ứng suất đều cho thấy sự thay đổi đột ngột khi khối lượng đi qua điểm có vết nứt trên dầm. Điều này chỉ có thể xảy ra khi dầm có vết nứt được mô phỏng bằng các phần mềm ANSYS, ABAQUS, hoặc các phần mềm mô phỏng 3D khác, khi đó khối lượng đi qua vết nứt sẽ bị “vấp” và gây ra thay đổi đột ngột trên. Trong trường hợp của bài báo, các tác giả sử dụng mô hình PTHH 1D với phần tử dầm có vết nứt được mô hình bằng ma trận suy giảm độ cứng, do vậy, việc thay đổi đột ngột này không thể xảy ra.
**1b. Bài số 2:**
**Nonlinear dynamic analysis of cracked beam on elastic foundation subjected to moving mass.**
Journal: International Journal of Advanced Engineering Research and Science (IJAERS), Vol.4, Issue 9, 2017.
Year: 2017
Link: https://dx.doi.org/10.22161/ijaers.4.9.14
– Về tạp chí “International Journal of Advanced Engineering Research and Science (IJAERS)”, là tạp chí săn mồi điển hình.
*- Chất lượng bản thảo:*
+ Tiếng anh ở mức yếu, rất nhiều câu trình bày theo văn phong giao tiếp, không phù hợp với văn phong khoa học.
+ Các đồ thị (Fig. 8-15) trình bày cẩu thả, chất lượng kém, đặt biệt các đồ thị (Fig.12-15) trình bày quá kém, không thể đảm bảo có thể nhận xét kết quả từ các đồ thị này. Tỷ lệ diện tích dành cho vẽ đồ thị khoảng 1/5 trong khi tên đại lượng, chú thích (các phần phụ) chiếm tới 4/5 diện tích!
+ Có Table 1, 3,4,5 nhưng không có Table 2?
Phải nói thật bài này chỉ tương đương kỹ năng trình bày của HỌC SINH CẤP 2 chứ không phải của một GIÁO SƯ!
*- Về nội dung khoa học:*
+ Có dấu hiệu sao chép phần lớn (có biên tập lại và dịch sang tiếng Anh từ bài số 1).
+ Khi xây dựng các phương trình của PTHH, không có biểu thức của hàm dạng.
+ Ma trận độ cứng phần tử liên quan đến nền đàn hồi và mô hình nền không rõ ràng.
+ Thiếu điều kiện biên.
+ Mặc dù bài báo này dùng lý thuyết dầm Timoshenko, với 3 ẩn chuyển vị như trong Eq. (1), tuy nhiên công thức tính ma trận độ cứng Eq. (21) lại có cỡ 4×4. Trong khi với 3 ẩn chuyển vị, và phần tử dầm 2 nút, thì tối thiểu cỡ ma trận là 6×6.
+ Công thức ma trận độ cứng suy giảm cho phần tử dầm được tham khảo từ tài liệu khác, được xây dựng cho phần tử dầm Timoshenko với 2 ẩn chuyển vị mỗi nút, không tương thích với phần tử dầm 3 ẩn chuyển vị mỗi nút trong bài báo, tuy nhiên lại được sử dụng (giống bài báo 1) mà không có giải thích, hay bất kỳ biến đổi nào liên quan.
+ Bài báo xây dựng phần tử dầm phi tuyến (xem Eq. 20), tức ma trận độ cứng phần tử phụ thuộc vào chuyển vị dầm (xem Eq. 20); tuy nhiên biểu thức ma trận độ cứng của phần tử dầm có vết nứt lại là ma trận độ cứng của phần tử dầm tuyến tính-không phụ thuộc vào chuyển vị (xem Eq. 21), và cũng khác cỡ ma trận với lý thuyết dầm đang sử dụng (4×4 thay vì 6×6)!
**1c. So sánh bài số 2 và bài số 1:**
Với cùng số liệu về dầm, khối lượng, vận tốc và các tham số khác, nhưng BÀI 1 LÀ MÔ HÌNH TUYẾN TÍNH, BÀI 2 LÀ MÔ HÌNH PHI TUYẾN, tuy nhiên:
+ Kết quả trình bày trên các đồ thị về dáng điệu đường cong, các điểm đặc biệt, cũng như giá trị giống nhau hoàn toàn. Như vậy không thấy sự khác nhau giữa mô hình phi tuyến và tuyến tính???
+ Các số liệu trình bày trong các bảng biểu có sự trùng lặp khá nhiều, một số số liệu có khác, tuy nhiên không nhiều. Theo người viết, các kết quả khác đã được sửa thủ công, còn các số liệu trùng lặp với số lượng lớn thể hiện tác giả đã không tính toán thực mà dùng nguyên số liệu của bài 1 đưa vào bài 2. Theo suy luận của tôi thì số liệu của cả 2 bài báo này đều không đúng với lý thuyết được trình bày. (Xem bảng so sánh chi tiết trong hình: Pages 3-8).
Từ các so sánh về sự trùng lặp và khác nhau giữa các đồ thị số liệu trình bày trong các bảng có thể thấy rằng:
– Đối với các số liệu trùng lặp (đánh dấu màu vàng): các số liệu này đã được sử dụng lặp lại chứ không thể do tính toán từ mô hình phi tuyến mà lại giống hoàn toàn với mô hình tuyến tính.
– Đối với các kết quả khác ít (đánh dấu màu xanh, và không đánh dấu): kết hợp với các số liệu giống nhau trên, có thể thấy sự khác nhau này xảy ra một cách vô lý! Vì các đại lượng này có liên quan đến nhau.
Với người là chuyên môn sẽ thấy rằng, khi tính toán theo mô hình tuyến tính và phi tuyến thì kết quả khác nhau rất nhiều.
**Do vậy, có thể kết luận 2 bài báo này có một số dấu hiệu vi phạm sau:**
**1. Đạo (bịa) số liệu.**
**2. Xuất bản trùng lặp.**
**3. Không thể lặp lại kết quả từ cơ sở lý thuyết đã trình bày trong hai bài báo (vì bản thân kết quả là bịa đặt).**
———————————————————–
**2. Bài số 3:**
Dynamic analysis of high building with cracks subjected to earquake loading.
Journal: American Journal of Civil Engineering, Vol. 4, issue 5, pp. 233-240, 2016.
Year: 2016
Link: https://www.sciencepublishinggroup.com/article/10.11648.j.ajce.20160405.14
– Về tạp chí “American Journal of Civil Engineering” thuộc nhà xuất bản Science Publishing Group (SciencePG) là nhà xuất bản săn mồi. Tạp chí không nằm trong danh mục ISI và Scopus.
– Trình bày (khoa học): thiếu tính logic.
– Lý thuyết tấm sử dụng là lý thuyết cắt bậc nhất, 5 ẩn chuyển vị (xem Eq. 11); tuy nhiên trong công thức xấp xỉ phần tử hữu hạn (PTHH) – Eq. (22) và các biến đổi từ Eq. (16), chỉ có 3 ẩn chuyển vị là w, theta_x và theta_y; các chuyển vị u0, v0 biến mất khỏi các biến đổi từ Eq. (16) trở đi. Các nội lực N_x, N_y, N_xy cũng biến mất luôn. Trong khi đây là bài toán không gian, các chuyển vị này là bắt buộc, cũng như để tương thích với phần tử dầm 3D bài báo nêu.
– Không có biểu thức hàm dạng của các phần tử được nêu.
– Không có điều kiện biên đối với các bậc tự do cụ thể của mô hình PTHH.
– Mô hình PTHH (Fig. 4) là mô hình được xây dựng bằng việc sử dụng toàn bộ các phần tử khối 3D trong ANSYS (với màu phần tử xanh nhạt và nền xanh dương đậm của ANSYS tương đối dễ nhận ra) chứ không phải Matlab như nêu trong bài báo (câu cuối section 3).
– Các giá trị của hệ số cản, phục vụ cho tính toán ma trận cản (Eq. 35) không được nêu cả trong phần lý thuyết và ví dụ số.
– Thiếu toàn bộ các bước kiểm tra mô hình phần tử hữu hạn, bao gồm kiểm tra độ hội tụ làm cơ sở cho lựa chọn kích thước, số lượng phần tử, và phần kiểm tra tính đúng đắn của lý thuyết và chương trình tính.
**Kết luận:**
**- Số liệu được bịa (hoặc tính toán từ ANSYS/ABAQUS), không liên quan gì đến các công thức lý thuyết được đưa ra.**
**- Không có khả năng lặp lại kết quả từ các lý thuyết được trình bày trong bài báo bằng lập trình trong Matlab.**
———————————————————–
**3. Bài số 4+5:**
Do 2 bài giống nhau hoàn toàn, tôi xin lấy bài số 5 để phân tích.
**3a. Bài số 4:**
Effect of Some Factors on the Dynamic Response of Reinforced Cylindrical Shell with a Hole on Elastic Supports Subjected to Blast Loading.
Journal: American Journal of Civil Engineering/Science Publishing Group
Date: 08/10/2016
Link: [https://www.sciencepublishinggroup.com/article/10.11648.j.ajce.20160406.16](https://www.sciencepublishinggroup.com/article/10.11648.j.ajce.20160406.16)
**3b. Bài số 5:**
Effect of Some Factors on the Dynamic Response of Reinforced Cylindrical Shell with a Hole on Elastic Supports Subjected to Blast Loading.
Journal: Global journal of research in engineering: E Civil and Structures engineering/Global journal Inc.
Date: 15/07/2016
Link: https://engineeringresearch.org/index.php/GJRE/article/view/1521
– Về tạp chí: cả 2 tạp chí đều là tạp chí thuộc nhà xuất bản săn mồi
– Về nội dung: 2 bài báo giống nhau hoàn toàn từ tiêu đề, lý thuyết, hình vẽ, bảng biểu, dữ liệu, các phân tích, bình luận, và tác giả => lỗi Duplicate publication (multiple publication, or redundant publication).
– Về nội dung khoa học:
+ Introduction section: Nội dung sơ sài, thiếu rất nhiều tài liệu tham khảo liên quan đến vấn đề nghiên cứu của bài báo (chỉ có 8/12 tài liệu tham khảo được bình luận, trong đó có 1 bài tự trích dẫn). Không nêu được các kết luận cần thiết về vấn đề đã được nghiên cứu, các vấn đề cần giải quyết.
+ Figure 4: vẫn còn để chú thích bằng tiếng Việt!!!
+ Mặc dù đối tượng nghiên cứu chính là vỏ trụ, xong phần cơ sở lý thuyết tính toán vỏ viết rất sơ sài, thiếu hẳn các biểu thức quan trọng về cơ học vật rắn biến dạng (chỉ có 3 biểu thức (1)-(3)).
+ Từ Eq. (1) có thể thấy, lý thuyết vỏ được sử dụng là bậc nhất, do vậy sẽ tồn tại các thành phần biến dạng trượt gamma_xz và gamma_yz; tuy nhiên biểu thức biến dạng Eq. (2) chỉ có 3 thành phần và viết rất sơ sài, thiếu gamma_xz và gamma_yz!!!
+ Figure 2 cho thấy phần tử vỏ phẳng 4 nút có 6 bậc tự do (BTD) mỗi nút, nhưng trong Eq. (1) chỉ có 5 ẩn (và khi biến đổi theo FEM sẽ có 5 BTD).
+ Các phương trình cơ bản để xây dựng ma trận độ cứng, khối lượng và vec-tơ lực của vỏ không được trình bày.
+ Eq. ( 8 ) là biểu thức tính công của ngoại lực, nhưng viết thừa hệ số 1/2, như vậy khi thế trở lại Eq. (5) sẽ bị sai.
+ Eq. (11) thể hiện chuyển vị của dầm 3D, có 6 ẩn, và phần tử dầm 3D cũng được xây dựng có 6 BTD mỗi nút, vậy việc ghép nối với phần tử vỏ được thực hiện ra sao?
+ Gân là 1 phía, nhưng không quy đổi về hệ tọa độ tổng thể? Điều kiện liên tục giữa vỏ-gân không được xử lý.
+ Không có bất cứ hàm dạng nào của phần tử vỏ phẳng, dầm 3D được đưa ra.
+ Thiếu hoàn toàn điều kiện biên, đặc biệt khi hệ là vỏ có gân tăng cứng.
+ Không có hệ số cản cho các tính toán số cụ thể.
+ Với các biểu thức trình bày trong phần lý thuyết, không thể hiểu được bán kính cong của vỏ nằm ở đâu, và ảnh hưởng như thế nào đến các ma trận, vector phần tử. Nhưng phần kết quả khảo sát số lại có xét ảnh hưởng của bán kính cong của vỏ.
**Kết luận:**
**- Cơ sở lý thuyết viết sơ sài, thiếu và sai nghiêm trọng các biểu thức cơ bản về toán học, cơ học.**
**- Kết quả tính toán chưa được kiểm chứng, so sánh với kết quả đã xuất bản hoặc phần mềm mô phỏng, do vậy rất đáng ngờ có thực sự được lập trình trong Matlab bằng những lý thuyết được đưa ra hay không. Độ tin cậy của kết quả tính rất thấp.**
———————————————————–
**4. Bài số 6:**
**Static stability study of stiffened functionally graded composite plates reinforced by carbon nanotubes using finite element method**
Journal: Vietnam Journal of Mechanics, Vol. 45, No. 3, 2023
Link: [https://doi.org/10.15625/0866-7136/18862](https://doi.org/10.15625/0866-7136/18862)
Year: 2023
* Về tạp chí: tạp chí của Việt Nam, uy tín (theo phân loại của quỹ NAFOSTED)
* Về nội dung bài báo:
– Một số lỗi khoa học nghiêm trọng:
+ Bài báo sử dụng lý thuyết biến dạng cắt bậc cao bốn ẩn chuyển vị (trong đó W được tách thành Wb và Ws) cho tấm (Eq. 7), trong khi gân lại sử dụng lý thuyết dầm Euler với chuyển vị ngang 1 thành phần w_0. Như vậy việc tương thích chuyển vị, biến dạng giữa tấm và gân rất khó thực hiện và không đảm bảo được tính liên tục chuyển vị, vi phạm nguyên tắc cơ bản của cơ học. Kéo theo:
• Làm thế nào để có thể cộng trực tiếp các ma trận này theo biểu thức không được đánh số (nằm sau công thức Eq. (40) và trước (41))?
• Mối liên hệ cơ học giữa các bậc tự do của tấm và của gân được thể hiện như thế nào?
+ Gân tăng cứng được bố trí 1 phía, nhưng không có các biến đổi để chuyển về tọa độ tổng thể của tấm.
+ Điều kiện biên trong tính toán được trình bày không hề liên quan gì đến 2 lý thuyết được sử dụng cho tấm và gân?
+ Không có bất cứ biểu thức hàm dạng nào (của phần tử tấm và gân) được đưa ra trong bài báo, mặc dù đây không phải các phần tử quen thuộc thường được sử dụng. Hoặc đơn giản là tham khảo đến tài liệu khác cũng không có.
– Về bài toán so sánh: Mặc dù trong bài báo đối chứng có nhiều kết quả số, nhưng không được lựa chọn để so sánh. Các tác giả sử dụng so sánh bằng kết quả biểu diễn trên đồ thị. Tuy nhiên, kiểm tra đồ thị cho thấy, các giá trị được các tác giả trích xuất từ tài liệu gốc không chính xác, sai số lên đến hơn 10% so với đồ thị gốc. Điều đó cho thấy kỹ năng trích xuất số liệu rất yếu của các tác giả. (Xem hình so sánh bên dưới: bên trái là hình trong bài báo của Chung et al., và hình bên phải là của bài báo gốc. Trong đó, người viết đã dùng công cụ cũng khá thô sơ là autocad để đánh dấu lên đồ thị gốc các giá trị mà nhóm tác giải đã dùng để so sánh (các điểm chấm màu đỏ bên hình phải), cho thấy khoảng cách khá xa so với điểm trên đồ thị gốc (điểm màu đen)). (Xem hình Pages 13).
– Về bài toán ví dụ số:
+ Với tấm khảo sát hình vuông, có 12 gân. Thường tấm vuông chia 100 phần tử sẽ là 10×10, và với 12 gân có lẽ bố trí 6 ngang, 6 dọc (phù hợp với khoảng cách của các gân như bài toán nêu) thì mỗi gân sẽ nên chia là 10 phần tử (để trùng với các nút của phần tử tấm, sẽ thuận tiện cho ghép nối phần tử), như vậy có tổng cộng 120 phần tử gân. TUY NHIÊN, bài báo lại đưa ra số phần tử gân là 50, như vậy thật khó hình dung các gân được chia và ghép nối với phần tử tấm kiểu gì?
– Thiếu phần kiểm tra tính hội tụ cho bài toán dùng phương pháp PTHH.
**Kết luận:**
**Cơ sở lý thuyết của bài báo có nhiều lỗi sai nghiêm trọng về mặt toán học, cơ học và phương pháp phần tử hữu hạn. Kết hợp với sự thiếu chính xác trong bài toán so sánh cho thấy các kết quả số là đáng ngờ, khả năng cao được bịa đặt. Hoàn toàn không có chương trình tính Matlab theo lý thuyết được trình bày như các tác giải tuyên bố.**
———————————————————–
**5. Bài số 7:**
Dynamic analysis of stiffened functionally graded composite plates reinforced by carbon nanotubes subjected to blast loads using a new four-variable refined plate theory
Journal: International Journal of Computational Materials Science and Engineering /World Scientific
Date: 2/12/2022.
Link: https://dx.doi.org/10.1142/S2047684123500045
* Về tạp chí: Uy tín (tuy nhiên, lỗi có thể reviewers đã chưa làm tròn hết trách nhiệm)
* Về nội dung khoa học của bài báo:
– Một số lỗi trình bày (lỗi nhỏ):
+ Figure 2 biểu diễn biến thiên các hàm f(z) nhưng không biểu diễn hết trên khoảng biến thiên cần thiết (-h/2 đến h/2).
+ Ngoài ra, các hàm khác không được nhắc đến trong phần lời, mà được vẽ trực tiếp trên hình. Các tham chiếu dùng kiểu số đặt trong ngoặc vuông khác với định dạng của bài báo, làm người đọc rất khó để kiểm tra đúng tài liệu tham khảo đó.
+ Diễn giải các đại lượng trong Eq. (33) không đầy đủ. Không có chú thích cho E_m?
– Một số điểm bất thường về nội dung khoa học của bài báo số 7:
+ Hàm f(z) (Eq. 8 ) được sử dung trong bài báo đã được giới thiệu và sử dụng bởi hàng trăm tác giả khác. Tuy nhiên các tác giả lại tuyên bố đây là hàm mới của các tác giả đề xuất (một hình thức ăn cắp ý tưởng, hoặc nhẹ hơn là thiếu tôn trọng quyền tác giả)!
+ Bài báo sử dụng lý thuyết biến dạng cắt bậc cao bốn ẩn chuyển vị (trong đó W được tách thành Wb và Ws) cho tấm, trong khi gân lại sử dụng lý thuyết biến dạng cắt bậc nhất với góc xoay là biến độc lập. Như vậy việc tương thích chuyển vị, biến dạng giữa tấm và gân rất khó thực hiện và không đảm bảo được tính liên tục chuyển vị, vi phạm nguyên tắc cơ bản của cơ học. Kéo theo:
• Làm thế nào để có thể cộng trực tiếp các theo Eq. (37)?
• Điều kiện biên được xử lý ra sao đối với các bậc tự do của tấm và gân?
• Mối liên hệ cơ học giữa các bậc tự do của tấm và của gân được thể hiện như thế nào? Có thực hiện được không khi sử dụng 2 lý thuyết khác nhau hoàn toàn?
+ Gân tăng cứng được bố trí 1 phía, nhưng không có các biến đổi để chuyển về tọa độ tổng thể của tấm.
+ Không có bất cứ biểu thức hàm dạng nào (của phần tử tấm và gân) được đưa ra trong bài báo, mặc dù đây không phải các phần tử quen thuộc thường được sử dụng. Hoặc đơn giản là tham khảo đến tài liệu khác cũng không có.
+ Điều kiện biên của bài toán đối với các bậc tự do phần tử không được trình bày.
+ Không có bất cứ giá trị hệ số cản nào được đưa ra khi tính toán.
+ Biểu thức biến phân động năng không được diễn giải mà viết rất chung chung (Eq. 21), sau đó vẫn có biểu thức cụ thể để đưa vào biểu thức của nguyên lý Hamilton để được Eq. (22) ở dạng diễn giải đầy đủ.
+ Biểu thức biến phân của thế năng biến dạng đàn hồi của tấm (Eq. 13, 14, 18), và biểu thức biến phân động năng của tấm (Eq. 21) có hệ số 1/2 là SAI. Hơn nữa, khi đưa vào biểu thức của nguyên lý Hamilton (Eq. 12) và biến đổi để được Eq. (22) hệ số 1/2 lại tự động biến mất (mà không thể giản ước được do biểu thức tính công Eq. (20) không có hệ số 1/2).
+ Bài toán so sánh số 2: đây là điểm đáng ngờ nhất. Do vậy tôi có để hình so sánh bên dưới (Xem hình ở Page 17).
– Điều hài hước nhất cõ lẽ là CÁC TÁC GIẢ KHÔNG HIỂU THẾ NÀO LÀ BÀI TOÁN TUYẾN TÍNH VÀ PHI TUYẾN, khi đã lấy kết quả của các tác giả tính theo mô hình tuyến tính để so sánh với kết quả của bài toán đối chứng được tính toán bằng mô hình phi tuyến. Nhưng vẫn cho ra KẾT QUẢ PHÙ HỢP!!!!
– Có dấu hiệu cho thấy các tác giả đã SAO CHÉP VÀ CHỈNH SỬA HÌNH ẢNH một cách thô sơ và thủ công từ bài báo gốc (Legend có dấu hiệu rõ ràng của việc chỉnh sửa từ bài toán gốc).
**Kết luận:**
**- Từ những thiếu sót về mặt khoa học trong phần lý thuyết và kết quả của phần so sánh, có thể kết luận kết quả số của bài toán là đáng ngờ, rất có thể là giả.**
**- Các số liệu có dấu hiệu rõ ràng của việc bịa đặt.**
**- Không thể lặp lại các kết quả của bài báo bằng lập trình trong Matlab từ những lý thuyết của bài báo đưa ra.**
———————————————————–
**6. Bài số 8:**
Dynamic Analysis of Cracked Plate Subjected to Moving Oscillator by Finite Element Method
Date: 25/07/2019
Journal: Mathematical Problems in Engineering/Hindawi
Link: https://doi.org/10.1155/2019/6528251
Một số vấn đề về khoa học:
* Các công thức, biến đổi liên quan đến xây dựng mô hình toán học có nhiều lỗi nghiêm trọng:
– Mặc dù biểu thức chuyển vị theo lý thuyết Mindlin-Reisner với 5 ẩn (Eq. (1)), và các biểu thức biến dạng, ứng suất vẫn đầy đủ 5 ẩn; tuy nhiên từ Eq. (9) trở đi chỉ còn 3 ẩn, 2 ẩn chuyển vị trong mặt phẳng u_0 và v_0 biến mất mà không rõ lý do!
– Các phép biến đổi từ Eq. (13) đến Eq. (17) rất lộn xộn, thiếu logic, chắp vá từ các sách về phần tử hữu hạn, các đại lượng không được giải thích rõ ràng.
– Không có bất cứ hàm dạng nào được trình bày.
– Mặc dù việc xây dựng ma trận khối lượng phần tử theo lý thuyết Mindlin-Reissner với 5 ẩn chuyển vị rất đơn giản, tuy nhiên, tác giả lại chỉ xét đến động năng của dịch chuyển ngang w như Eq. (17) là không nên, kết quả sẽ sai số rất lớn. (Tuy nhiên, có thể đây là do sự thiếu hiểu biết của tác giả nhiều hơn là việc đơn giản hóa tính toán).
– Eq. (17) xuất hiện đại lượng {u_e} không có ý nghĩa gì, không được giải thích.
– Không có điều kiện biên cho các bậc tự do của mô hình phần tử hữu hạn
* Kết quả số:
– Thiếu kết quả so sánh với các nghiên cứu trước, mặc dù về vấn đề này có vô số bài báo tương tự đã được xuất bản.
– Thiếu độ tin cậy do cơ sở lý thuyết sai nghiêm trọng về mặt toán học và cơ học, có khả năng cao là kết quả bịa đặt, chứ không phải kết quả lập trình bằng Matlab từ các phương trình lý thuyết được trình bày như bài báo tuyên bố.
**Kết luận:**
**- Có nhiều lỗi về mặt cơ học và toán học trong các biểu thức lý thuyết.**
**- Kết quả bịa đặt, không do lập trình bằng Matlab trên cơ sở lý thuyết đã trình bày.**
========================================
**II. Sách chuyên khảo:**
Provskite and piezoelectric materials (chapter: Static and dynamic analysis ò piezoelectric laminated compsite beams and plates).
Link: https://www.intechopen.com/chapters/70974
Date: 2020
Đây là sách xuất bản dạng book series, do một nhà xuất bản được liệt vào danh sách các nhà xuất bản không uy tín, săn mồi: IntechOpen.
Về nội dung, là tổng hợp của một số bài báo của các tác giả đã xuất bản trước đó được biên tập lại. Do không có thời gian, tôi không phân tích sâu thêm, mọi người có thể tham khảo và nhận xét.
Statistics:
Likes: 197, Shares: 16, Comments: 11
Like Reactions: 141, Haha Reactions: 6, Wow Reactions: 33, Love Reactions: 5, Sad Reactions: 12, Angry Reactions: 0