Lê Ngọc Khả Nhi – 2024-01-11 18:37:57
Tạp chí y học của trường đại học: chúng ta đã cất cánh, nhưng sẽ bay được bao xa ?
Thời gian gần đây, cộng đồng khoa học đang có những ý kiến xét lại về vai trò của việc công bố nước ngoài vì những bất cập và tác hại cho sự phát triển lành mạnh của nền khoa học. Trong đó, một hướng đi khác được đề nghị là đầu tư phát triển những tạp chí khoa học của trường đại học. Trong một bài viết trước, Nhi cũng từng phân tích về ý nghĩa quan trọng của y văn quốc nội trong ngành y; và chỉ ra rằng những tờ báo y học trong nước không nên bị bỏ hoang phế – nhưng cần được đầu tư phát triển, nếu ta muốn chấn hưng nền y học hàn lâm cho thế hệ người Việt Nam tiếp theo.
Hiện nay, các trường đại học y khoa lớn trong cả nước, ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, TP.HCM… đều lập ra cho riêng mình một tạp chí khoa học. Riêng trường ĐHYD TPHCM còn có cả 2 tờ báo, một bằng Việt ngữ và một bằng Anh ngữ.
Khi đọc những tờ báo cấp trường đại học này, về tổng quan ta thấy được một tín hiệu tích cực, đó là chúng ta đã tiệm cận được với chuẩn mực của y văn thế giới về hình thức, một tiến bộ đáng kể so với thời kì trước. Một số trường tổ chức được ban biên tập khá mạnh, có sự tham gia của những chuyên gia nước ngoài. Về nội dung, hầu hết bài báo có sự tiến bộ rất xa về cách diễn đạt văn bản khoa học so với thế hệ trước.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề và hạn chế vẫn còn tồn tại cho thấy rằng dù hết sức cố gắng, chúng ta chỉ mới bắt đầu thoát ra khỏi giai đoạn lạc hậu và đang tiến bộ. Vẫn còn sự phân hóa rất sâu về trình độ giữa các đồng nghiệp. Bên cạnh những bài báo tốt, có những bài vẫn theo phong cách trình bày văn bản khoa học lạc hậu từ thập niên 1950, bên cạnh những đề tài nghiên cứu hay vẫn có những đề tài tầm thường và vô ích. Việc nhân bản công bố và tự đạo văn là một thực trạng phổ biến. Nhiều bài báo tiếng Việt chỉ là một phiên bản nhỏ hơn, kém hơn, thậm chí chỉ là mảnh vụn cắt ra từ một công bố quốc tế của chính nhóm nghiên cứu đó. Thời gian qua đã có nhiều trường hợp bị cáo buộc về hành vi nhân bản công bố, một trên báo nước ngoài và một bản dịch trong nước.
Có lẽ cần rất nhiều thời gian nữa để báo khoa học Việt Nam có thể đạt đến đẳng cấp của những tờ báo quốc nội tại các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Trung quốc, Pháp, … Chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội và thời gian để bay cao và xa hơn nữa.
Trong bài viết này, Nhi muốn chia sẻ một số suy nghĩ, về tầm quan trọng của một tờ báo nhân danh một trường đại học đối với lợi ích và danh tiếng của ngôi trường đó, và một số ý tưởng để những tờ báo như vậy có thể phát triển tốt hơn nữa.
Những chính sách sau đây nên được xem xét trong tổ chức và quản lý một tạp chí y học của trường đại học y khoa :
Cần có một nguồn kinh phí đủ mạnh để duy trì và phát triển tờ báo, có thể dùng hình thức xuất bản open-access có thu phí, từ ngân sách của trường, hoặc kêu gọi đóng góp từ xã hội, ngành công nghiệp dược phẩm hoặc quỹ tài trợ.
Từ ngân quỹ này, xây dựng một ban biên tập có thực lực, gồm những nhà khoa học và chuyên gia có trình độ khoa học cao, và họ thực sự hoạt động tích cực cho mục tiêu phát triển tờ báo chứ không chỉ có mặt trên danh nghĩa. Những thành viên trong ban biên tập phải tham gia đóng góp cho nội dung lẫn hoạt động bình duyệt.
Việc xuất bản bằng Anh ngữ không thực sự cần thiết và ưu tiên, nếu không đủ khả năng duy trì và đảm bảo phẩm chất bài đăng và lưu lượng bản thảo gửi về.
Cần tổ chức một quy trình bình duyệt nghiêm túc và thực chất. Sẵn sàng loại bỏ bài báo phẩm chất kém, và kiên trì hỗ trợ cho tác giả để cải thiện bản thảo đến khi đạt mức độ chấp nhận được. Không để lọt những sai sót trong trình bày và kết quả. Ban biên tập nên cung cấp cho tác giả những sự trợ giúp cần thiết như dịch vụ hậu kì, kênh liên lạc hiệu quả trong quá trình bình duyệt, dịch vụ thiết kế biểu đồ và tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật phân tích dữ liệu.
Để phẩm chất của bài báo tiệm cận với chuẩn mực của báo khoa học thế giới, ban biên tập cần thiết kế ngay từ đầu và thông báo cho tác giả bản hướng dẫn với quy định chi tiết, cụ thể và định lượng về hình thức, nội dung, phẩm chất của mỗi loại bài báo, bao gồm cấu trúc bản thảo, độ dài, những thông tin cần cung cấp (theo bảng kiểm), số lượng bảng, biểu đồ và cấu tạo, phẩm chất hình ảnh, quy tắc trích dẫn tài liệu tham khảo…. và nhiều thứ khác định hình cho chất lượng bản thảo.
Cần quy định rõ những điều cấm phổ biến mà tác giả không được làm, như tự đạo văn – dịch nguyên bản hoặc lặp lại một công bố quốc tế khác, thay vào đó hướng dẫn, gợi ý tác giả những ý tưởng sáng tạo để khai thác dự án, dữ liệu của họ theo nhiều cách khác nhau để cung cấp thông tin mới và độc đáo, không trùng lặp. Như vậy chính là giúp cho đồng nghiệp mình giữ được an toàn cho sự nghiệp về lâu dài.
Việc đảm bảo lưu lượng bài vở là một thử thách. Một số giải pháp có thể hữu dụng cho mục tiêu thu hút công bố để duy trì sức sống cho tờ báo như: Khuyến khích giảng viên và sinh viên trong trường công bố khoa học trên tờ báo của trường. Thậm chí, đưa việc công bố này thành chỉ tiêu đánh giá kết quả học tập của sinh viên tốt nghiệp, học viên cao học, nghiên cứu sinh, và chỉ tiêu công tác của giảng viên. Có phần thưởng xứng đáng cho nhóm tác giả có bài báo tốt và hay.
Đôi khi, chỉ cần 1 điều rất nhỏ để vinh danh và tôn trọng tác giả bài báo, kích thích lòng tự hào nơi họ, như một tấm ảnh của tác giả chính trên mỗi bài báo, một lời giới thiệu (bài editorial note) của ban biên tập, một status trên fanpage FB của trường.
Ban biên tập có thể chủ động tạo ra những số báo chuyên đề và mời gọi sự đóng góp từ các sinh viên, đồng nghiệp tại bệnh viện trường hoặc các bộ môn.
Sử dụng tờ báo như một phương tiện đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên, kênh thông tin giữa nhà trường, bộ môn và sinh viên – bằng cách cung cấp những bài viết có nội dung giáo khoa về phương pháp nghiên cứu, thống kê và phân tích dữ liệu, giới thiệu sách hay, case lâm sàng và bàn luận y văn.
Một khi được tạo ra và đi vào hoạt động, tạp chí y học sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn chúng ta tưởng rất nhiều, bởi vì nó chính là thể diện của cả ngôi trường. Nội dung trong tờ báo sẽ thể hiện trung thực đẳng cấp và trình độ khoa học của toàn thể sinh viên và giảng viên của trường, so với những trường khác trong và ngoài nước, và của nền khoa học của quốc gia. Mở một tờ báo, cũng là khai mở một con đường riêng, một mảnh đất tư hữu đầy tiềm năng để tự lực phát triển hoạt động nghiên cứu của trường. Vì thế, thiết nghĩ thà không dựng nên tờ báo nào cả, nhưng nếu đã quyết định đầu tư làm báo khoa học, thì cần quản lý hoạt động của tờ báo một cách tối ưu. Thậm chí, cần xem việc đầu tư phát triển cho tờ báo là sứ mệnh quan trọng hơn cả việc gia tăng công bố quốc tế và thứ hạng trên những bảng xếp hạng nước ngoài, vì những kết quả kia chỉ có tính nhất thời nhưng rất ít giá trị thiết thực đối với truyền thống và vận mệnh của trường cũng như của nền khoa học hàn lâm quốc nội. Một siêu sao khoa học một ngày nào đó có thể rời khỏi trường, đầu quân cho một trường khác, không ai biết ở trường đó có giáo sư đó công bố được bao nhiêu bài trên báo quốc tế, nhưng bất cứ ai là người Việt cũng có thể vào đọc tờ báo tạp chí y học của một đại học, và từ những gì họ đọc thấy sẽ có kết luận tương ứng về trình độ khoa học của trường này.
Statistics:
Likes: 65, Shares: 7, Comments: 6
Like Reactions: 53, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 10, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0