Minh Dang Doan – 2023-12-20 00:10:24
Ngày hôm qua 19/12 có một hội thảo về liêm chính trong nghiên cứu khoa học, do Bộ KHCN và Bộ GDĐT tổ chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Hội thảo này là một dịp để các bộ quản lý việc nghiên cứu khoa học lấy ý kiến giới quản lý và giới khoa học để chuẩn bị sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực này (như thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái có nói là sẽ sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ).
Thông tin từ hội thảo này được nêu trong một số bản tin:
* Tóm tắt của trường ĐH BKHN: https://www.hust.edu.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien/co-gang-ung-xu-voi-liem-chinh-khoa-hoc-co-van-hoa-van-minh-654947.html
* Bài của báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/vi-pham-liem-chinh-hoc-thuat-pho-bien-nhat-la-tuy-tien-gan-ten-tac-gia-185231219165035316.htm (tin này có người đã share lại ở LCKH: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/1058099822103516)
* Bài của báo Tiền Phong: https://tienphong.vn/5-hanh-vi-vi-pham-liem-chinh-khoa-hoc-pho-bien-tai-viet-nam-post1597198.tpo và https://tienphong.vn/chi-hon-2-tap-chi-khoa-hoc-cua-viet-nam-lot-vao-danh-muc-scopus-wos-post1597072.tpo
* Bài của báo Tuổi Trẻ: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/1058099822103516
Tôi xin trích lại một số điểm trong những bản tin trên:
Từ tham luận của PGS. Trương Việt Anh ở ĐH BKHN, về nỗ lực của BKHN và đề xuất: (xem bài của ĐH BKHN)
> Là một trong 3 nhà khoa học báo cáo tham luận tại Hội thảo, PGS. Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày nội dung Về xây dựng liêm chính học thuật qua một số khảo sát ở cơ sở GD ĐH.
Đánh giá chung tại các cơ sở GD ĐH, PGS. Trương Việt Anh nhận định sự cần thiết phải có quy định nội bộ để đảm bảo căn cứ, sự tuân thủ liêm chính học thuật; sự cần thiết phải tuyên truyền/truyền thông cho cán bộ và người học, nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật; Cần thống nhất, sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn; Có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật để làm rõ thái độ và phòng ngừa; Sự cần thiết của mỗi cá nhân: Nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm, phòng ngừa, tuân thủ;
PGS. Trương Việt Anh nêu đề xuất, kiến nghị:
Các cơ sở GD ĐH cần có quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp (Bách khoa Hà Nội đã xây dựng quy định 18 điều, 6 chương).
Cùng đó, cần sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo tại các cơ sở GD ĐH (có thể sử dụng công cụ Turnitin). ĐHBK Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt.
Cơ sở GD ĐH cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm. Xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về liêm chính học thuật.
Cùng đó, PGS. Trương Việt Anh nêu một số kiến nghị với cấp quản lý và hệ thống, như: Cần có sự phối hợp, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước: Quan điểm thống nhất và xây dựng chính sách thực hiện liêm chính học thuật tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo;
Cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo dùng chung: CSDL phục vụ kiểm soát đạo văn;
Thống nhất về các công cụ kiểm soát đạo văn;
Các đơn vị trong nghiên cứu và đào tạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo chia sẻ, phối hợp tuyên truyền nhận thức cho cán bộ và người học;
Nhà khoa học, nhà quản lý Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh 4 nguyên tắc trong liêm chính học thuật: Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu; có trách nhiệm khi tiến hành nghiên cứu; công bằng và chuyên nghiệp khi nghiên cứu với người khác; quản lý/bảo vệ tốt việc nghiên cứu khi nhân danh người khác.
Từ PGS. Trần Anh Tuấn ở Hội đồng Giáo sư nhà nước, về tình trạng các tạp chí khoa học của Việt Nam và việc lập bảng tiêu chí đánh giá tạp chí của HĐGSNN: (xem bài của báo TT)
> **Có rất ít tạp chí Việt Nam trong hệ thống dữ liệu uy tín quốc tế
**Trên thế giới có nhiều tổ chức được thành lập để định kỳ đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học và bình chọn vào các danh mục.
Các tổ chức này đưa ra những công cụ để đo lường, tìm kiếm, theo dõi chất lượng khoa học thuộc các lĩnh vực bình chọn và danh mục trích dẫn trong cơ sở dữ liệu đa ngành (ACI, Scopus, Web of Science…) chuyên ngành (Pubmed, Embase, Inspec, Compendex…).
Các tạp chí khoa học Việt Nam trong danh mục tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và trong khu vực còn hạn chế. Scopus là cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), sử dụng hệ thống tính điểm STEP thẩm định các ấn phẩm khoa học dựa trên 5 tiêu chí chính thức:
Chính sách tạp chí (5%), nội dung (20%), mức độ trích dẫn (25%), tính thường kỳ (10%), sự sẵn có nội dung trực tuyến (10). Đến tháng 3-2023, Scopus đã đưa vào danh mục 43.400 tạp chí khoa học trên thế giới, trong đó 27.933 tạp chí đang còn hiệu lực. Việt Nam chỉ có 8 tạp chí.
Web of Science là cơ sở dữ liệu của Hoa Kỳ đánh giá và lựa chọn các tạp chí dựa trên các tiêu chí: Tác động, ảnh hưởng, tính kịp thời, đánh giá ngang hàng, đại diện địa lý. Ở lĩnh vực khoa học mở rộng (SCIE) có hơn 9.200 tạp chí trên 178 ngành khoa học.
Lĩnh vực khoa học xã hội (SSCI) có trên 3.400 tạp chí. Lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn (AHCI) có trên 1.800 tạp chí. Nguồn mới nổi (ESCI) có trên 7.800 tạp chí. Việt Nam chỉ có 8 tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu, trong đó có 1 tạp chí thuộc SCIE, 7 tạp chí thuộc ESCI.
Như vậy ở hai hệ thống trên có 16 lượt tạp chí Việt Nam được chọn, trong đó có tạp chí có mặt ở cả hai hệ thống. Tổng số tạp chí được chọn vào hai hệ thống này là 13.
Danh mục ACI thành lập tháng 11-2011 đến tháng 3-2023 đã đánh giá, xét chọn 664 tạp chí khoa học của 10 nước trong khu vực. Trong đó Việt Nam cũng mới chỉ có 26 tạp chí được bình chọn năm 2021 và hiện 20 tạp chí còn hiệu lực.
> **Xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chí đánh giá, xếp điểm
**Theo ông Trần Anh Tuấn, hằng năm Hội đồng giáo sư nhà nước phải rà soát, phê duyệt danh mục tạp chí khoa học Việt Nam làm cơ sở tính điểm, định lượng các công trình khoa học của ứng viên. Số liệu năm 2022, có 450 tạp chí khoa học Việt Nam trong danh mục.
Ông Tuấn cho rằng cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học Việt Nam tiệm cận với quốc tế, làm cơ sở để phê duyệt danh mục tạp chí.
Ông Tuấn cho biết hiện mới chỉ có 250 tạp chí đã cập nhật thông tin theo yêu cầu. Dự kiến tháng 12-2023 sẽ mở cổng lần nữa để các tạp chí tiếp tục cập nhật.
Dự kiến năm 2024, Văn phòng giáo sư nhà nước sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá tạp chí (21 tiêu chí) và xếp điểm từ 0.25-1 điểm, gửi toàn bộ dữ liệu cho các hội đồng ngành, liên ngành.
Năm 2025 sẽ chính thức vận hành hệ thống này. Đây không chỉ là cơ sở để có đánh giá thống nhất mà còn là dữ liệu để soi chiếu, phát hiện vi phạm liêm chính khoa học.
Từ kết quả nghiên cứu của PGS. Trương Việt Anh về áp lực công bố quốc tế dẫn đến người ta chọn cách làm thiếu liêm chính, và thái độ của người hoạt động khoa học đối với vi phạm liêm chính: (xem bài của báo TN)
> **Áp lực công bố quốc tế là nguyên nhân hàng đầu
**Kết quả ban đầu cho thấy, những người tham gia khảo sát nhận định hành vi vi phạm liêm chính học thuật phổ biến nhất hiện nay là đưa tên những người không tham gia vào làm tác giả hoặc đồng tác giả công trình nghiên cứu khoa học. Tiếp theo là đạo văn/tự đạo văn; làm hộ/làm thuê các công trình khoa học; sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng ý của nhóm; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu tổng quan, kết quả nghiên cứu.
Nguyên nhân vi phạm chủ yếu được đưa lên hàng đầu là áp lực về số lượng công trình cần được công bố quốc tế của cá nhân nhà khoa học. Theo PGS Trương Việt Anh, vấn đề này được đề cập khá nhiều tại diễn đàn *Liêm chính khoa học* trên Facebook với 82.000 thành viên, về những nhà khoa học có số lượng công bố tăng đột biến. “Các trường ĐH đặt KPI lớn về công bố cũng như nhu cầu gia tăng công bố quốc tế cũng là một áp lực nhất định”, PGS Trương Việt Anh nhận định.
Các nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm khác gồm: tạo cơ hội thăng tiến cá nhân; cam kết khi nhận các nguồn tài trợ; áp lực từ nhu cầu kinh tế của cá nhân. “Có những nguyên nhân trực tiếp từ vấn đề liêm chính học thuật, nhưng cũng có những yếu tố chịu sự tác động của xã hội”, PGS Trương Việt Anh bình luận.
> **Chưa có sự đấu tranh rõ ràng
**Khi được hỏi về thái độ xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm liêm chính học thuật, những người được khảo sát lựa chọn nhiều nhất cho câu trả lời “tâm lý e ngại”, qua đó cho thấy chưa có sự đấu tranh rõ ràng trong môi trường khoa học hiện nay để xây dựng liêm chính học thuật.
Nhiều người cũng cho biết là họ muốn bày tỏ thái độ không đồng tình với hành vi vi phạm liêm chính học thuật nhưng không biết nơi để phản ánh. “Có thể vì có những trường chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc này. Còn ở ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có ba đơn vị lo việc tiếp nhận khiếu nại về liêm chính học thuật là Ban Khoa học công nghệ, Ban Đào tạo, Ban Thanh tra pháp chế”, PGS Trương Việt Anh cho biết.
Các thái độ tiếp theo được lựa chọn là giải thích, thuyết phục tránh hành vi vi phạm; thờ ơ, không phản ánh.
Những người dự hội thảo phát biểu, kêu gọi cơ quan quản lý xem xét cẩn thận vấn đề về liêm chính trong nghiên cứu và công bố kết quả khoa học: (xem bài của BKHN)
> **Đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc về liêm chính và công bố**
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học nêu nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các nhà khoa học xung quanh thực trạng, kinh nghiệm tại các cơ sở GD ĐH, cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện liêm chính trong nghiên cứu. Ý kiến chung đều cho rằng Việt Nam không phải là “hoang mạc” về liêm chính khoa học và có nhiều quy định liên quan đến vấn đề này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định, liêm chính trong nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng; những phản ánh của các nhà khoa học, truyền thông về vấn đề liêm chính khoa học những năm qua cho thấy, đã đến lúc phải quan tâm lắng nghe.
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, liêm chính là khái niệm “mở”, nhưng phải có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện. Liêm chính động chạm đến đội ngũ tri thức, đội ngũ nhà giáo, do đó khi chưa có điều tra, minh chứng thì chưa được nêu tên, làm ảnh hưởng đến từng nhà khoa học, tập thể khoa học.
Đề xuất một số việc cần làm trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, việc cần làm ngay là các đơn vị quản lý nhà nước khẩn trương nghiên cứu đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn, đôn đốc để các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính.
Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu tiêu chí giám sát các tạp chí…, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết: Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để sớm có cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ, tạo tài nguyên cho quản lý nhà nước. Đồng thời sẽ nghiên cứu xem xét tiêu chí giám sát các tạp chí và định hướng phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước.
Được biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được xem xét để lồng ghép vào các điều khoản khi thay đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Có một số người thường theo dõi diễn đàn Liêm Chính Khoa Học đến dự và phát biểu tại hội thảo này (xin xem thêm hình ở bài tóm tắt của ĐH BKHN), trong đó có anh Dương Tú, một trong các admin hiện tại của LCKH. (hội thảo có nhiều người phát biểu nên chắc không có bản báo cáo nào tường thuật lại các nội dung phát biểu, riêng phát biểu vài phút của anh Tú thì chúng tôi có bản ghi âm, khi nào sắp xếp được thời gian thì anh Tú cũng có thể sẽ ghi lại những ý kiến đề xuất đã phát biểu cho mọi người biết)
— Cập nhật: anh Tú có viết rõ hơn ý kiến phát biểu của mình ở đây: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/1058410938739071/
Tôi nghĩ con đường xây dựng nền khoa học Việt Nam lành mạnh vẫn còn gian nan, tuy vậy sau những thảo luận về liêm chính khoa học vài năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã ý thức về vấn đề này và chắc sẽ luật hóa dần một số vấn đề về liêm chính, đây là một tin tích cực.
Shared link: https://thanhnien.vn/liem-chinh-nghien-cuu-khoa-hoc-da-den-luc-co-quan-quan-ly-phai-vao-cuoc-185231219231549534.htm
Statistics:
Likes: 247, Shares: 27, Comments: 44
Like Reactions: 221, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 23, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0