Lê Ngọc Khả Nhi – 2023-11-29 22:49:35
Tìm về cội nguồn tốt đẹp của truyền thông khoa học
Trong một bài viết cũ, Nhi từng cảm thán rằng lẽ ra việc công bố khoa học phải mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Đó không phải là một mơ ước lãng mạn và phi thực tế, bởi vì trong quá khứ, những giá trị và tinh thần đó đã từng hiện diện.
Thời sinh viên, Nhi từng có cơ hội tham khảo tài liệu tại thư viện trường Y khoa Paris Descartes, nơi lưu trữ toàn bộ y văn thế giới ngược về hơn 100 năm trước. Từ chỗ tò mò tìm hiểu những bài báo về sinh lý học cổ điển, Nhi trở nên hứng thú với y văn cổ. Qua những bài báo cổ xưa này, Nhi nhận ra nhiều điều thú vị.
Phần lớn những tạp chí y học danh giá hiện nay đều có tuổi hàng trăm năm, được khởi xướng vào thế kỷ 19 bởi một hay một nhóm nhà khoa học với mục tiêu ban đầu rất giản dị nhằm giao lưu và trao đổi với bạn bè đồng môn trong cùng một nước (Anh và Mỹ). Ví dụ, tờ báo NEJM ở Boston từ năm 1811, tờ Lancet từ năm 1823, tờ Nature từ năm 1869 tại Anh, tờ JAMA từ năm 1883 tại Mỹ, tờ AJOG của hiệp hội sản phụ khoa Hoa kỳ từ năm 1869. Ngay cả những tờ báo trẻ tuổi nhưng có danh tiếng, ví dụ tờ ERJ của hội Hô hấp Châu Âu cũng được sáng lập vào năm 1988 bởi những nhà sinh lý học là bạn bè với nhau và trong thời kì ban đầu, được dùng như diễn đàn để giao lưu giữa một nhóm nhỏ những người đều quen biết nhau giữa các quốc gia như Pháp, Anh, Hà Lan, Đức…
Phạm vi ban đầu của một tờ báo khoa học luôn giới hạn trong một cộng đồng nhỏ hẹp, công dụng nguyên thủy của tờ báo luôn là giao tiếp thân hữu. Chúng chưa bao giờ được tạo ra với ý nghĩa như một đỉnh cao quyền lực của khoa học toàn cầu, để làm nơi đầu cơ tích trữ cho lý lịch khoa học, dùng để xếp hạng trường đại học hay để thu tiền của tác giả đăng bài.
Ngày xưa, ý nghĩa giao tiếp thân hữu rất rõ, vì trong một số tờ báo như AJOG, cấu trúc cho mỗi số báo thường như sau: một tác giả A báo cáo kết quả nghiên cứu của mình, bản thảo được gửi đến vài đồng nghiệp khác, và họ gửi ý kiến bàn luận, phân tích về nghiên cứu đó, và tất cả được tổng hợp lại để công bố trong cùng một số báo.
Thời xưa, bài báo khoa học thường là tác phẩm của một cá nhân duy nhất. Một người bác sĩ có thể tự mình thực hiện nghiên cứu độc lập trên bệnh nhân tại bệnh viện của mình và báo cáo kết quả trong vai trò tác giả duy nhất. Chưa có bất cứ chuẩn mực nào về cấu trúc của một bài báo khoa học, tất cả đều tự do, tác giả muốn viết ra sao cũng được. Hầu hết bài báo khoa học vì thế giống như kể chuyện (văn tường thuật) và mang dấu ấn cá nhân chứ không theo khuôn mẫu hay công thức nào. Trước thập niên 50, phân tích thống kê chưa hề được áp dụng trong nghiên cứu y học. Tất cả nghiên cứu vào những năm 1940 trở về trước đều thuần mô tả, và chỉ có mô tả. Thậm chí đó là hình thức mô tả sơ cấp nhất, đó là liệt kê từng ca bệnh, đếm tần suất, hoặc tỷ lệ phần trăm. Thậm chí, người ta còn chưa có khái niệm mô tả định lượng bằng giá trị trung bình hoặc độ lệch chuẩn, phân vị… Các nhà nghiên cứu cũng hiếm khi sử dụng biểu đồ thống kê để minh họa, phần lớn chỉ dùng bảng số thô (gọi là Chart). Chỉ có một số ít nghiên cứu có vẽ biểu đồ (hoàn toàn thủ công). Dạng biểu đồ phổ biến nhất là tuyến kí (cũng là biểu đồ cổ xưa nhất). Cần nhớ là vào năm 1923 thì hầu hết các loại biểu đồ đều đã phổ biến từ rất lâu (ngoại trừ Boxplot chỉ xuất hiện vào năm 1970), như scatter plot đã có từ năm 1833, Piechart có từ 1801. Không có bất cứ kiểm định thống kê nào được thực hiện (dù 2 loại kiểm định cổ xưa nhất là Chi-squared test và Student t-test đã được Karl Pearson và Gosset phát minh ra từ năm 1900 và 1908).
Cần nói thêm là phong cách trình bày văn bản khoa học lạc hậu này thực ra còn tồn tại rất lâu, tận 20 năm sau. Thời đó người ta chỉ có thể thuyết phục nhau bằng lời văn, lập luận logic, hoặc bằng chứng trực quan là ảnh chụp đại thể, vi thể.
Người ta cũng không bị áp lực về những tiêu chí như cỡ mẫu phải thật to lớn vĩ đại, nghiên cứu đa trung tâm. Vẫn có những nghiên cứu trên vài ngàn bệnh nhân, nhưng hoàn toàn mang ý nghĩa tự nhiên, không phải với tham vọng trấn áp hay đua tranh với nhau. Nếu cần thiết, người ta vẫn hào hứng công bố thí nghiệm sinh lý trên 10-20 bệnh nhân, đến tận thập niên 70-80 vẫn có những thử nghiệm lâm sàng chỉ với vài chục bệnh nhân. Rất nhiều phát minh quan trọng về cơ chế sinh lý bệnh làm nền tảng cho thuốc điều trị đã được sinh ra từ những nghiên cứu nhỏ bé như vậy.
Người ta cũng không bị ám ảnh bởi thiết kế nghiên cứu RCT, sùng bái những bài meta analysis như hiện nay. Tác hại của hệ thống EBM này Nhi cũng từng có bài bàn về nó.
Tuy những điều này có vẻ lạc hậu, nhưng nó mang ý nghĩa thú vị, đó là từng có thời mà người ta viết bài một cách tự nhiên, với tâm hồn rất ngây thơ và giản dị.
Ngày nay, hoạt động xuất bản khoa học đã thay đổi sâu sắc, nhưng đáng tiếc rằng sự thay đổi này phần nhiều theo hướng xấu. Báo khoa học mất đi ý nghĩa nguyên thủy của nó là giao lưu thân hữu trong giới hàn lâm, nhưng chạy theo những giá trị thực dụng và phi khoa học. Một số tờ báo trở thành công cụ tuyên truyền và phát ngôn cho các tổ chức chuyên môn, mà tôn chỉ không ngoài củng cố cho quyền lực chính trị của tổ chức đó. Một số tờ báo khác hoàn toàn vì mục đích kiếm tiền, bỏ mặc phẩm chất khoa học và giá trị đạo đức. Việc công bố khoa học cũng không còn ý nghĩa tốt đẹp như ngày trước, mà trở thành một cuộc chiến giành cơ hội lọt qua khe cửa hẹp của những tờ báo danh tiếng. Người ta viết bài dưới quá nhiều áp lực. Người ta chạy theo những tiêu chí vô nghĩa mang tính hình thức như cỡ mẫu khổng lồ, trào lưu viết phân tích gộp, dán nhãn RCT… Việc đăng bài trở thành sự đầu cơ cho sự nghiệp, danh vọng, quyền lực và của cải cho bản thân. Xuất bản khoa học bị tha hóa, trở thành mảnh đất tốt cho những điều xấu xa mọc lên, như chúng ta đã chứng kiến.
Cũng như chính bản thân y học, hoạt động xuất bản trong giới y khoa hàn lâm đã thay đổi sâu sắc theo thời gian, về cả hình thức, nội dung và ý nghĩa. Một số sự thay đổi là tiến bộ và tích cực, nhưng tiếc thay, phần lớn giá trị tinh thần và ý nghĩa tốt đẹp của truyền thông khoa học đã bị tổn hại, thậm chí mất hẳn.
Việc phục hồi những giá trị nguyên thủy này nên là mục tiêu cần nhắm đến cho những tờ báo khoa học quốc nội và nền khoa học non trẻ như nước ta. Có thể ngây thơ, nhưng ta nên hy vọng rằng nếu những điều tốt đẹp và thuận tự nhiên được tôn trọng thì sẽ đẩy lui được những điều tiêu cực khác gồm sự ích kỷ, tham lam và gian trá.
Statistics:
Likes: 129, Shares: 15, Comments: 4
Like Reactions: 96, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 29, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0