Cuong Do – 2023-11-08 12:41:48
Những siêu nhân trong làng khoa học!
Trong ngành Sinh vật học, các nhóm chuyên ngành hẹp gồm động, thực vật vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà phân loại sinh vật tìm kiếm và khám phá ra các sinh vật chưa được khoa học biết đến. Ở một đất nước có mức độ đa dạng sinh học cực cao như Việt Nam thì đây đúng là mỏ vàng để các nhà khoa học công bố các công trình. Không có thống kê chính xác nhưng ước tính khoảng 70% số lượng sinh vật được mô tả gần đây của vùng Đông Dương (kéo dài từ Myanmar đến Nam Trung Hoa) là được tìm thấy từ Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam trở thành tâm điểm của các nhà nghiên cứu đa dạng sinh học không chỉ ở tầm khu vực mà mang tính toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam trở thành “mỏ” mẫu vật cho các công bố khoa học đạt chuẩn quốc tế và là nơi tạo nên “tên tuổi” các nhà phân loại sinh vật học. Các nhà phân loại học ở Việt Nam gần đây có lợi thế rất lớn dựa trên khu hệ đa dạng của chính nước mình. Cũng từ đó cơ hội công bố khoa học chuẩn quốc tế của các nhà phân loại học Việt Nam cao hơn ngay cả khi so sánh với các chuyên gia ở các nước phát triển dù điều kiện nghiên cứu thì không bằng họ.
Gần đây do sức ép công bố đạt chuẩn quốc tế ở Việt Nam cũng được nâng cấp, đặc biệt từ khi nhà nước đưa ra quy chế hoạt động của Quỹ nghiên cứu khoa học cơ bản quốc gia, Nafosted. Và cũng gần đây, bắt đầu xuất hiện các nhà phân loại sinh vật học có tới hàng trăm công bố đạt chuẩn trong một năm. Ban đầu tên tuổi của họ gây chấn động giới phân loại, bởi cho dù có toàn tâm nghiên cứu, 1 ngày lao động hết 24 giờ, không ăn, không ngủ thì việc đạt hàng trăm bài báo như vậy cũng là điều không tưởng. Họ được giới khoa học hàn lâm biểu dương, trở thành gương mặt tiêu biểu của đơn vị, của ngành, rồi nhận cả các chức danh cao quý như PGS, GS, gương mặt tiêu biểu v.v… Vậy những siêu nhân khoa học này đã làm gì để đạt được những thành tích siêu phàm đến vậy? Bí mật nằm ở chỗ mẫu vật sinh vật, mẫu vật khoa học đóng vai trò quyết định trong thành công của các công bố khoa học. Bằng sự “khôn ngoan” của mình, thay vì tự phải phân tích mẫu vật cho các công trình thì các siêu nhân chỉ việc thu gom và “tích” các mẫu vật lại, họ thậm chí sử dụng các đặc quyền chính trị của mình để ngăn cản các nhà khoa học khác tiếp cận với “nguồn mẫu” để rồi “độc quyền” khai thác bằng việc thao túng “quyền thu mẫu”. Với kho mẫu vật trong tay, họ chỉ việc gửi chúng đi với cái tên hết sức mỹ miều “hợp tác nghiên cứu” hoặc “mời các chuyên gia quốc tế” tới để “cùng nhau” công bố các công trình từ mẫu vật đó.
Trong khoa học, không có gì sai khi các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, hợp tác, chia sẻ để cùng nhau công bố các thông tin khoa học. Hoạt động này không chỉ đẹp về mặt khoa học, mà nó còn là hành động đẹp về ngoại giao, về hợp tác trao đổi văn hóa và cùng nhau bổ sung vào kho tàng kiến thức khoa học nhân loại nói chung. Từ các kết quả về phân loại sẽ là tiền đề cho các tiến bộ về ứng dụng khi phát triển tài nguyên từ các sinh vật đó sau này.
Vậy điều gì khiến các “siêu nhân” khoa học này trở nên xấu xí đến nỗi gần đây họ không còn tự hào đi nhận các tuyên dương của đơn vị nữa. Tại sao họ phải cúi đầu và không còn “khoe” các công trình khi được công bố nữa mà chỉ âm thầm điền vào các hồ sơ xin quỹ hoặc quyết toán đề tài? Bởi vì những đồng nghiệp trong giới cả trong và ngoài nước đã hiểu ra nguyên lý và cách thức để họ trở thành các siêu nhân trong làng khoa học Việt Nam. Và vì ở trong làng nên mọi người đều biết nhau, đều hiểu các chiêu thức của nhau và biết được bí mật của các siêu nhân này. Họ thực chất có đóng góp trong công trình nhưng thực sự hiểu và nghiên cứu rất nhiều nhóm sinh vật mà họ công bố là con số 0 tròn trĩnh. Vì không 1 nhà khoa học nào có thể biết mọi thứ và đủ thời gian, năng lượng công bố nhiều công trình đến thế. Các siêu nhân này cũng không sai về mặt khoa học vì nếu không có họ thì các chuyên gia ở các nước phát triển khác không có mẫu vật để công bố. Nhưng các siêu nhân này luôn có 1 đặc điểm chung: gần như tất cả các công bố là cộng tác với các chuyên gia hàng đầu khác, điều này không có gì sai, nhưng họ gần như không đào tạo ra được sinh viên/học trò/đồng nghiệp trong nước vì họ không phải là tác giả chính tromg bài báo và không có năng lực để đào tạo thêm. Đúng là không khổng lồ thì ta có thể đứng trên vai người khổng lồ, nhưng tại sao các siêu nhân này nguy hiểm cho nền khoa học chân chính của nước nhà. Đó là bởi ngoài việc công bố tô vẽ cho tên tuổi, giống như bộ lông cánh hào nhoáng của mình thì khả năng nghiên cứu đối với chính các nhóm mà họ đang công bố của họ là con số 0. Tất nhiên điều này cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến ai khác ngoài việc với số công trình đồ sộ họ hút gần hết các nguồn kinh phí của các đồng nghiệp “kém khôn ngoan hơn” mà tệ hơn cả là họ lãng phí nguồn tài nguyên khoa học thông qua việc “o bế” và độc quyền nguồn mẫu. Chính điều này khiến cho các nhà khoa học non trẻ hơn hoàn toàn bị “tê liệt” vì bị tranh hết nguồn tài nguyên khoa học. Từ đó để lại hệ quả về một tương lai ít sáng sủa của thế hệ khoa học trẻ. Các nhà khoa học “kém khôn ngoan” muốn đào tạo và lan tỏa khoa học cho các thế hệ sau cũng bị bất lực bới chính sự “liêm chính” mà không “thức thời”.
Cho đến nay cũng chưa thể có một cơ chế bào kiểm soát các “siêu nhân” như vậy ngoài việc trông chờ vào sự “tự xấu hổ” của họ. Và từ cái này sẽ dẫn tới việc xuất hiện các siêu nhân khác khôn ngoan hơn nữa, họ giấu mình và không cần tỏa sáng chói chang như những siêu nhân không biết xấu hổ kia. Họ lặng lẽ gửi 1 lượng vừa đủ mẫu vật để không quá “sáng chói” rồi bị lộ rằng mình không làm gì cả; và lặng lẽ ôm hết kinh phí đề tài ở mức vừa đủ. Tất nhiên điều này cũng chẳng công bằng cho mấy nhà khoa học “gàn dở” chỉ nghiên cứu bằng chính năng lực của mình hay cố gắng đào tạo các nhà khoa học trẻ hơn, một lũ không “thức thời” và “bảo thủ” nên “thua thiệt” 🙂 nhưng ai quan tâm nhỉ?
Statistics:
Likes: 144, Shares: 8, Comments: 21
Like Reactions: 117, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 9, Love Reactions: 10, Sad Reactions: 5, Angry Reactions: 0