Lê Nguyên Khương – 2023-10-24 00:01:26
## Nên xem xét, xây dựng quy tắc đăng bài trong diễn đàn?
Kính gửi các Admins của diễn đàn.
Cảm ơn các anh tạo ra một diễn đàn khoa học cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, khai sáng nhiều kiến thức về liêm chính và cách phân biệt thật giả trong khoa học. Tới thời điểm hiện tại, diễn đàn đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho cộng đồng, góp phần cảnh tỉnh về chất lượng cũng như cách làm khoa học ở nước ta.
Tuy nhiên, khi diễn đàn có số lượng thành viên “khủng” như hiện tại, mỗi bài viết, ý kiến cần được chọn lọc. Cụ thể, các anh nên xem xét thay đổi quy tắc đăng bài cho phù hợp với hoàn cảnh và ý nghĩa thực tiễn của nó.
Trước khi đưa ra quan điểm cá nhân, tôi xin dẫn chứng 2 ví dụ nhỏ cùng phân tích dưới đây. Hy vọng các anh hiểu cho những góp ý này là chân thành, được đưa ra để mọi người cùng bàn luận chứ không chỉ hướng tới riêng thành viên Admins.
**1.** **GS X-Y:** khoảng hơn tuần nay, diễn đàn có loạt bài về anh Trần Xuân Bách và chuyện anh Bách bố trí thời gian qua gặp anh Đăng để trao đổi, streamline mang tính chất “giải trình” trước cộng đồng. Với hệ quy chiếu và nhận định cá nhân, tôi cảm phục anh ấy về năng lượng, tâm huyết và cách giải quyết vấn đề. Điều tôi nể phục hơn nữa là anh Bách đã về Việt Nam sinh sống và cống hiến từ khá lâu. Với năng lực nghiên cứu của anh ấy (dù không cùng lĩnh vực chuyên môn), tôi tin có nhiều trường đại học nước ngoài mời anh B công tác và phong hàm Full GS.
Tóm tắt ngắn gọn là diễn đàn cho đăng bài “tố cáo” anh Bách không trung thực trong việc khai hồ sơ xét chức danh GS. Anh ấy chẳng làm gì sai luật nhưng bị đặt nghi vấn thiếu trung thực trong cách khai và đặt câu chữ trong hồ sơ. Sau đó là biết bao thời gian, tâm trí và sức khỏe của những người liên quan phải bỏ ra để tranh luận, giải trình trên diễn đàn.
Với tôi, những người như anh Bách, đáng được ngưỡng mộ, ít nhất về khoa học. Karl Marx có câu “đạo đức là làm được việc gì” chứ đừng vội đánh giá đạo đức của một con người qua câu từ và cách nhìn thiển cận mang tính cá nhân.
*Ý kiến của tôi về anh Bách nên được coi là khách quan vì tôi chưa từng gặp và cũng chưa có ý định nhắn tin nói chuyện với anh Bách (mặc dù có là bạn Facebook)*.
**2. “Cải cách khoa học?”**: Không rõ các anh có để ý bài viết gần đây của một cá nhân dấu mặt đã viết đoạn: “NẾU ỨNG VIÊN XYZ KHÔNG CHỦ ĐỘNG RÚT HỒ SƠ (thì thư này sẽ được gửi đến các đơn vị liên quan đến ứng viên), & SẼ KHÔNG CÔNG BẰNG CHO ỨNG VIÊN KHÁC VÀ TẠO TIỀN LỆ XẤU NẾU ĐƯỢC HĐGSNN THÔNG QUA.”. Với tôi, đó là lời nhắc nhở thật “nhân văn và đáng cảm động”🥹.
Khi chắp nhận cho đăng bài này, liệu admin đã nghĩ đâu là mục đích thực sự của người tố cáo chưa? Liệu các anh có đang gián tiếp tiếp tay cho một nhóm người bỏ thời gian đi kiện cáo cũng chỉ vì lợi ích cá nhân họ? “Triệt hạ” người khác cả về uy tín và sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội hơn **75 nghìn thành viên** liệu có giúp mọi việc tốt đẹp hơn?
Xét một cách khách quan, các admins đã đánh giá được đóng góp cho giáo dục VN của những người bị nêu tên như thế nào chưa? Có những người làm được hàng trăm việc tốt nhưng tại sao khi mang ra phân tích là chỉ chăm chăm vào những điều chưa tốt?
*Tôi không biết và cũng không quan tâm tới vị XYZ kia là người thế nào, nhưng tôi nghĩ những người dành bao thời gian quý báu để tìm hiểu và tố cáo kia cũng chỉ là bất mãn do thua thiệt hoặc có mưu đồ cá nhân.*
Nhiều anh chị đọc tới đây sẽ có ý kiến trái chiều với quan điểm của tôi nhưng thực sự tôi cũng như anh chị, mong muốn mọi thứ tốt đẹp hơn cho VN.
Con người khác AI ở lòng trắc ẩn. Chê bai thì dễ dàng, còn dùng khen ngợi vừa đủ, đúng lúc, đúng chỗ để tạo động lực cho những tiến bộ (dù rất nhỏ) mới thực sự khó. Nếu thực sự có tâm thì hãy cân nhắc mọi ý kiến và đánh giá của mình trước khi đưa lên mạng xã hội, bởi niềm tin đã trở thành thứ gì đó thực sự xa xỉ VN rồi.
Cuối cùng, mặc dù việc tố cáo lạc danh vẫn có vai trò nhất định và không bị pháp luật cấm, nhưng tổ chức tiếp nhận và được quyền công khai nội dung các đơn thư lạc danh thì nên được xem xét và đưa vào quy định.
“Dân chủ” chỉ phát huy tác dụng nếu mặt bằng dân trí đủ tốt và có tư duy phản biện trong vấn đề đó. Nhóm chấp nhận cho publish các bài viết mà ko tự kiểm duyệt hoặc ko có khả năng kiểm duyệt mục đích đằng sau của những bài viết “đấu tố” đó, khác gì các tạp chí khoa học kém chất lượng, duyệt những bài viết thiếu đóng góp khoa học. Đó cũng **không phải là LIÊM CHÍNH**.
Nếu các anh có đủ tâm huyết cho nền khoa học nước nhà, mong các anh tiếp tục viết bài, tổ chức các hội thảo mang tính định hướng, xây dựng. Về lâu dài, nếu có thể, các anh nên xin cơ chế nhà nước để tham gia trực tiếp vào quá trình xét duyệt của hội đồng chức danh GS nhà nước.
PS: Nếu được chọn, tôi muốn đăng bài này dưới dạng ẩn danh vì được chú ý trên mạng xã hội chỉ khiến mình mất thời gian. Nhưng để đảm bảo tính khách quan cho từng nhận định, tôi để tên công khai và chịu trách nhiệm với từng ý kiến dù đúng sai của mình.
Tôi cũng có 7 năm công tác và làm việc ở Việt Nam, nên ở mức độ nào đó, tôi hiểu được khó khăn mà nền khoa học và những người làm khoa học ở VN đang gặp phải. Có lẽ phải thực sự vật lộn cơm áo gạo tiền và làm việc dưới một cơ chế chính sách chưa hoàn thiện theo kiểu “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng” (trích dẫn: báo người lao động), thì mới hiểu người Việt mình vất vả thế nào.
*PS: Hình ảnh được tôi tạo tự động từ nội dung bài viết bằng DALL-3 :)*
Statistics:
Likes: 231, Shares: 4, Comments: 126
Like Reactions: 190, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 37, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0