Anonymous participant – 2023-09-22 13:05:05
Có thể làm khoa học nghiêm túc và minh bạch ở các quốc gia kém phát triển không ? Trường hợp của những công bố ngành Sản Phụ Khoa trên tờ PLoSONE
Là một tạp chí đa ngành Q1, nhưng tờ PLOSOne không nằm trong bất cứ bảng xếp hạng nào cho những tờ báo tốt nhất về Sản Phụ khoa (SPK). Thậm chí một tờ báo SPK địa phương còn có giá trị khoa học cao hơn chuyên trang SPK của PLOSOne.
Tuy nhiên, nếu dành thời gian đọc những công bố về SPK trên PLOSOne ta sẽ nhận ra nhiều điều thú vị và có thể áp dụng cho hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học tại các nước nhỏ kém phát triển một cách lành mạnh và nghiêm túc.
Thành lập vào năm 2006, tờ PLOSOne là một hình mẫu thành công của hình thức OpenAccess. Công bố đầu tiên về Sản khoa trên PLOSOne vào năm 2007, và cho đến nay đã có gần 8000 bài báo SPK và sơ sinh.
Về tổng quan, chuyên đề SPK trên báo này giống như một cái chợ trời hỗn tạp, thượng vàng hạ cám. Ta có thể thấy mọi câu chuyện, từ điên khùng nhất về việc phụ nữ hispanic bị sẩy thai và sinh non nhiều hơn khi Trump làm tổng thống, cho đến tình trạng trầm cảm của phụ nữ nhập cư lấy chồng Đài Loan, những khảo sát tâm lý, cảm xúc, thái độ, hành vi về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc tiền sản ở Phi Châu, đến những thí nghiệm genomic và proteomic cầu kì phức tạp, những nghiên cứu lâm sàng cỡ lớn và những phương pháp thống kê độc lạ hiếm có.
Nhưng ta có thể nhận ra rằng PLOSOne là một nơi hiếm hoi còn sót lại mở ra một sân chơi học thuật cởi mở, tự do. Đã từ rất lâu, những tờ báo “cao cấp” như AJOG, NEJM, Lancet, JAMA… trở nên nặng nề, bảo thủ, khuôn mẫu, như những khối beton nặng về kỹ thuật, mật độ thông tin cao dồn nén tạo cảm giác khá nặng nề cho người đọc. Khi đọc bài trên PLOSOne, dù biết phẩm chất nghiên cứu kém hơn, nhưng tôi lại có cảm giác chúng mang lại sự dễ chịu, thích thú và thoải mái.
Chỉ cần tác giả có một câu chuyện để kể, PLOSone cho họ cơ hội để kể nó. Dù bạn chỉ có cỡ mẫu vài chục bệnh nhân, dù bạn không nằm trong network nào đó… Nếu không có cánh cửa này, tiếng nói của y giới tại những nước nghèo nhất tại Châu Phi và Châu Á sẽ không bao giờ được nghe thấy. Người ta sẽ không bao giờ biết rằng trong khi những hiệp hội chuyên khoa tại Âu Mỹ ngồi hoạch định những bài toán cao xa, thì những người phụ nữ ở Châu Phi đang chịu đựng những vấn đề hoàn toàn khác – nguy cơ nhiễm HIV, những bệnh tình dục, không có cơ hội theo dõi thai kỳ, tiếp cận dịch vụ y tế tốt, nguy cơ băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, …
PLOSone còn tạo cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo, nếu bạn có một ý tưởng về mô hình thống kê mới cho một vấn đề lâm sàng, có thể kể về nó. Rất nhiều ý tưởng về phương pháp phân tích dữ liệu mới có thể tìm thấy trên PLOSOne.
Có thể lạc hậu về thực hành lâm sàng, đơn giản thậm chí tầm thường về đề tài, những công bố trên PLOSOne cho thấy giới y học tại những nước nghèo và kém phát triển đang học và tiến bộ. Dù hỗn tạp, PLOSone không trở thành cái thùng rác – ta thấy được tinh thần “nghèo cho sạch” – thật vậy. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng tạp chí PLOSOne Sản Phụ khoa có tỷ lệ minh bạch về dữ liệu cao chưa từng thấy – khoảng 10-30% công bố kèm theo dữ liệu gốc, thậm chí cả codebook và mã lập trình thống kê R hoặc SAS. Những nước nghèo tại Phi Châu lại thường chia sẻ dữ liệu gốc nhất. Họ còn sử dụng checklist như STROBE, CONSORT để kiểm tra phẩm chất của bài báo – điều thậm chí còn xa lạ với nhiều nghiên cứu sinh tại Việt Nam. Việc chia sẻ dữ liệu gốc chưa bao giờ được làm tại nước ta.
Bài học rút ra là nếu làm việc nghiêm túc, ta vẫn có thể xây dựng được một môi trường nghiên cứu khoa học hiệu quả – từ vị trí khởi điểm rất thấp hoặc chưa có gì
Statistics:
Likes: 78, Shares: 6, Comments: 0
Like Reactions: 58, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 17, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0