Duong Tu – 2020-10-20 13:41:37
**GIFT AUTHORSHIP**
Theo khuyến cáo của Ủy ban Quốc tế các Biên tập viên Y khoa (ICMJE – International Committee of Medical Journal Editors), hay còn gọi là Tiêu chuẩn Vancouver, một người là tác giả bài báo khi và chỉ khi thỏa mãn cả 4 tiêu chuẩn sau đây:
1. Có đóng góp thực chất cho ý tưởng hay thiết kế nghiên cứu; hoặc thu thập, phân tích hay diễn giải dữ liệu; VÀ
1. Phác thảo bài báo hoặc duyệt lại nội dung bài báo một cách nghiêm túc; VÀ
1. Chấp thuận phiên bản cuối cùng của bài báo trước khi công bố; VÀ
1. Đồng ý chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh của công trình trong việc đảm bảo rằng các nghi vấn về tính chính xác và liêm chính của bất kỳ phần nào của bài báo được điều tra và giải quyết thỏa đáng.
Nguồn: [http://www.icmje.org/recommendations/browse/roles-and-responsibilities/defining-the-role-of-authors-and-contributors.html](http://www.icmje.org/recommendations/browse/roles-and-responsibilities/defining-the-role-of-authors-and-contributors.html)
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm về những phần của công trình mà một người thực hiện, mỗi tác giả bài báo phải có khả năng xác định đồng tác giả nào chịu trách nhiệm cho phần cụ thể nào của bài báo. Bên cạnh đó, mỗi tác giả cần biết rõ về sự liêm chính trong đóng góp của các tác giả khác.
Tất cả những ai đứng tên tác giả bài báo phải thỏa mãn cả 4 tiêu chuẩn trên, và bất cứ ai thỏa mãn cả 4 tiêu chuẩn này cần được đưa vào danh sách tác giả. Những người không thỏa mãn cả 4 tiêu chuẩn nên được đưa vào mục Ghi nhận/Cám ơn.
Những tiêu chuẩn này không được đưa ra để làm công cụ loại bỏ tư cách tác giả của những người đủ điều kiện trở thành tác giả bằng cách không cho họ cơ hội để thỏa mãn các điều kiện số 2 và 3. Vì vậy, tất cả những ai thỏa mãn tiêu chuẩn đầu tiên cần có cơ hội tham gia vào quá trình phác thảo bài báo, duyệt bản thảo và chấp thuận phiên bản cuối cùng của công trình.
Những người có đóng góp cho nghiên cứu nhưng thỏa mãn ít hơn 4 tiêu chuẩn trên không được đứng tên tác giả bài báo mà chỉ nên được ghi nhận/cám ơn. Thí dụ về các hoạt động mà bản thân chúng (không kèm theo các đóng góp khác) không đủ để một người trở thành tác giả bài báo là:
* Tìm nguồn tài trợ
* Giám sát chung một nhóm nghiên cứu hoặc hỗ trợ chung về mặt hành chính
* Hỗ trợ viết lách, biên tập các chi tiết kĩ thuật, biên tập ngôn ngữ và đọc soát bản thảo
***
Bài điểm tin “***The gift of paper authorship***” trên Nature Index hồi tháng 7 vừa qua dẫn một nghiên cứu của nhóm tác giả tại Arizona State University công bố trước đó vài tuần trên tạp chí Accountability in Research cho thấy gift authorship là hình thức gian lận phổ biến nhất trong hoạt động nghiên cứu tại Mỹ: https://www.natureindex.com/news-blog/gift-ghost-authorship-what-researchers-need-to-know.
Trong công trình “***Assessing the perceived prevalence of research fraud among faculty at research-intensive universities in the USA***” (https://doi.org/10.1080/08989621.2020.1772060), nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 613 nhà nghiên cứu thuộc các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học ứng dụng đang làm việc toàn thời gian tại các trường đại học trong top 100 của Mỹ về tần suất của 6 hình thức gian lận, bao gồm:
* Giả mạo dữ liệu (data fabrication)
* Đạo văn (plagiarism)
* Bóp méo dữ liệu (data falsification)
* Gian lận tác giả (authorship fraud): các hành vi sai trái trong việc ghi nhận quyền tác giả, chẳng hạn ghi tên một người là tác giả bài báo mà người đó không có đóng góp thực chất cho nghiên cứu (gift authorship) hoặc không ghi nhận quyền tác giả cho người có đóng góp thực chất cho nghiên cứu (ghost authorship).
* Gian lận công bố (publication fraud): cố tình lừa dối trong quá trình xuất bản, cụ thể là nộp một bản thảo đồng thời cho nhiều tạp chí (shotgunning).
* Gian lận tiền tài trợ (grant fraud): lừa dối về việc sử dụng tiền tài trợ, chẳng hạn dùng tiền tài trợ để trang trải chi phí cá nhân hoặc xin tài trợ cho những nghiên cứu thực chất đã hoàn thành.
**Kết quả nghiên cứu cho thấy gift authorship được ghi nhận là hình thức gian lận phổ biến nhất trong khi loại gian lận ít gặp nhất là giả mạo dữ liệu.**
*****
**Nhiều khía cạnh của gift authorship**
Một số nhà nghiên cứu cho rằng thêm tên của những học giả nổi tiếng vào danh sách tác giả bài báo – có hay không nhận được sự đồng ý của họ – sẽ làm tăng cơ hội công bố hoặc giành được tiền tài trợ.
Cũng có hình thức gọi là tác giả danh dự (honorary authorship) trong đó những nhà nghiên cứu lão làng được ghi tên tác giả bởi vị trí lãnh đạo của họ tại nơi tiến hành nghiên cứu, hoặc họ là những người giúp có được tiền tài trợ.
Trong trường hợp gift authorship, hai nhà nghiên cứu thỏa thuận với nhau rằng họ sẽ thêm tên nhau vào các bài báo để tăng số lượng công bố của cả hai, cho dù trên thực tế họ không hề hợp tác hay làm việc cùng nhau.
Một ví dụ khác là nhà nghiên cứu “trả nợ” đồng nghiệp bằng bài báo vì sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn của đồng nghiệp.
**Đổi quyền tác giả lấy cơ hội**
Một nghiên cứu sinh về môi trường tại Thụy Điển nói với Nature Index rằng người này được đề nghị cơ hội làm việc với một giáo sư tại châu Âu sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ nếu đồng ý ghi tên vị giáo sư này như gift author trong bản thảo bài báo.
Nghiên cứu sinh nói rằng vị giáo sư đang trong giai đoạn được đánh giá lại để gia hạn bổ nhiệm trong khi chưa có đủ số bài báo cần thiết theo yêu cầu.
Nghiên cứu sinh cho biết thêm rằng chuyện các nhà nghiên cứu đề nghị một số quyền lợi để đổi lấy gift authorship là hiện tượng phổ biến.
“Các nhà nghiên cứu trẻ hơn hay bị xem là đối tượng để bóc lột lao động”, nghiên cứu sinh này nói.
Nature Index cũng dẫn lại một khảo sát tiến hành năm 2019 trên gần 500 nhà nghiên cứu cho thấy gần một nửa trong số này đã từng bị biến thành ghost author, tức viết bài hộ cho giáo sư, trong giai đoạn đầu sự nghiệp: https://doi.org/10.1063/PT.6.2.20190429a.
“Các giáo sư nhiều thâm niên và quan chức chính phủ trở thành tác giả công trình mà không cần làm gì cả hoặc chỉ bằng cách cho phép tiến hành nghiên cứu”.
Để ngăn ngừa tình trạng này, một số nhà xuất bản và tạp chí đã bắt đầu yêu cầu nhà nghiên cứu phải nói rõ vai trò và đóng góp của từng người trong công trình. Thông tin này đôi khi được công bố trong bài báo để phân biệt rõ ràng giữa tác giả thực thụ của bài báo với những người chỉ tham gia đóng góp một phần (contributor).
Một nghiên cứu khác công bố tháng 12/2017 trên tạp chí PLOS ONE khảo sát 12.000 nhà khoa học tại Mỹ cho thấy một phần ba trong số này đã từng thêm các tác giả danh dự vào công trình của họ. Các nhà nghiên cứu là nữ giới và trẻ tuổi là những người hay (phải) làm như vậy nhất: https://doi.org/10.1371/journal.pone.0187394.
Một bài báo vừa công bố tháng 7/2020 trên The Journal of Law, Medicine & Ethics lập luận rằng việc thêm tên của những người không tham gia nghiên cứu vào đề cương xin tài trợ của các quỹ tài trợ liên bang Mỹ – một dạng phổ biến của gift authorship – là hành vi phạm pháp theo Đạo luật Công bố Thông tin Giả [False Statements Act (18 U.S.C. § 1001)]: [https://doi.org/10.1177/1073110520935347](https://doi.org/10.1177/1073110520935347).
Bài báo trên Nature Index khép lại với nhận định rằng khi nào mà việc đăng nhiều bài báo nhất có thể còn được khuyến khích thì sẽ luôn có người tìm cách gian lận.
*
Image credit: https://www.natureindex.com/news-blog/gift-ghost-authorship-what-researchers-need-to-know
Shared link: https://www.natureindex.com/news-blog/gift-ghost-authorship-what-researchers-need-to-know
Statistics:
Likes: 134, Shares: 32, Comments: 37
Like Reactions: 122, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 11, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0