Koli Koli – 2023-08-07 10:54:09
BÙNG NỔ XU THẾ MỚI CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC NHÀ GIÀU: TRẢ TIỀN ĐỂ MUA BÁN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ XUẤT BẢN TRÊN CÁC “TẠP CHÍ HỌC THUẬT ĐƯỢC BÌNH DUYỆT”
Bài viết của [ProPublica]
[https://www.propublica.org/article/college-high-school-research-peer-review-publications](https://www.propublica.org/article/college-high-school-research-peer-review-publications)
Trước khi vào tóm tắt các ý chính bài viết của ProPublica ở phần dưới, tôi nhắc lại một số bê bối gần đây ở Hàn Quốc để nhấn mạnh bản chất khác biệt mà bài viết của ProPublica muốn truyền đạt. Nội dung chính mà bài viết của ProPublica đề cập là về việc các dịch vụ nghiên cứu khoa học tư nhân và các tạp chí xuất bản nghiên cứu trung học, giới học thuật đồng lõa với nhau để tạo lợi thế cho con cái giới tinh hoa, giàu có ở Mỹ và nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ) làm đẹp hồ sơ bằng các công bố khoa học. Các công bố khoa học này làm mạnh hồ sơ của học sinh, giúp học sinh được xem là “thần đồng” trong mắt ban tuyển sinh của các đại học hàng đầu ở Mỹ. Ngoài các công bố khoa học, các dịch vụ này còn có thể cung cấp thư giới thiệu của giới học thuật tại các trường nổi tiếng để đánh bóng hồ sơ hơn nữa.
Trong khi đó, những vụ bê bối tại Hàn Quốc phản ánh khía cạnh “con ông cháu cha (nepotism)” trong giới học thuật, không nhấn mạnh vào sự giàu có, tinh hoa hay các dịch vụ nghiên cứu, mua bán bài báo như của ProPublica. Cụ thể, một vài quan chức cấp cao của chính phủ, trong đó có người cũng là Giáo sư đại học, và giới học thuật Hàn Quốc đưa tên người thân, con cái của họ, hoặc của bạn bè (được nhờ vả, lo lót) thành đồng tác giả các công bố trên các tạp chí học thuật (tạp chí tiêu chuẩn, không phải chỉ tạp chí nghiên cứu của học sinh trung học), nhằm đánh bóng hồ sơ dự tuyển vào đại học hàng đầu trong và ngoài Hàn Quốc. Mục đích của việc làm này cũng nhằm hợp lý hóa sự “thiên tài” của các học sinh. Theo kiểm kê tại 85 trường, khoảng 800 bài báo đã xuất bản từ năm 2007 được phát hiện có các đồng tác giả là học sinh trung học. Tôi dẫn kèm các bài báo tham khảo được phản ánh từ năm 2019 đến 2022 (nhiều vụ khác nhau) ở cuối bài đăng này bao gồm cả nguồn học thuật và đại chúng.
# ====================================
TÓM TẮT Ý CHÍNH BÀI VIẾT CỦA PROPUBLICA
*Tôi cũng cung cấp thêm vài thông tin bên lề ở cuối bài.
.
.
Lạm phát điểm trung bình khiến quá nhiều ứng viên có điểm A trong khi điểm bài thi SAT, ACT đang dần bị loại bỏ hoàn toàn hoặc trở thành thứ yếu trong tiêu chí tuyển sinh đại học, vốn thường bị chỉ trích là chỉ tạo lợi thế cho các gia đình giàu có và sinh viên da trắng (*tôi đưa ví dụ như bê bối chạy trường, lo lót gian lận điểm SAT khoảng 5 năm trước ở Mỹ). Những điều này khiến các đại học phải đưa ra các tiêu chí khác để xét tuyển số lượng ứng viên ngày càng tăng nhưng đều có học bạ đẹp tương đương nhau, trong đó nổi bật nhất là nghiên cứu khoa học. Từ nguyên nhân này, một ngành công nghiệp dịch vụ béo bở đang nở rộ như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu của giới phụ huynh nhà giàu, nhằm tạo lợi thế ứng tuyển đại học cho con cái của họ bằng thủ đoạn xuất bản nghiên cứu. Trưởng ban tuyển sinh của MIT thừa nhận rằng ưu tiên ứng viên có công bố là làm lợi cho người giàu bởi nghiên cứu là một hoạt động không được tiếp cận công bằng (dù vậy MIT vẫn ưu ái ứng viên có nghiên cứu khoa học và công bố).
Hàng chục công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu và xuất bản (trực tuyến và trực tiếp) thu hút học sinh trung học nội địa và quốc tế mọc lên những năm qua tại Mỹ, bên cạnh các công ty tương tự đang gia tăng ở những nước khác, trong đó các công ty lớn nhất thường ở Trung Quốc. Hàng loạt tạp chí xuất bản nghiên cứu cho học sinh cũng đồng thời được tạo ra, nhưng vẫn khó đáp ứng kịp số lượng bản thảo nghiên cứu của học sinh được gửi tới đang ngày càng nhiều. Để tối đa lợi nhuận, các tạp chí này nhận đăng các bản in trước (preprint) bên cạnh các công bố phải qua quy trình “bình duyệt nghiêm ngặt bởi giới nghiên cứu tại nhiều đại học” theo như họ quảng cáo. Từ đó, giá các gói dịch vụ xuất bản cũng dao động từ vài trăm đến vài ngàn usd, tùy theo nhu cầu về hình thức xuất bản và thời gian “bình duyệt” chậm hay nhanh. Một ví dụ là tạp chí “The Journal of Student Research” quảng cáo trên trang web của họ rằng các công bố của sinh viên phải theo tiêu chuẩn vàng về bình duyệt của xuất bản học thuật truyền thống, bởi đội ngũ 90 chuyên gia từ khắp các trường đại học Mỹ và thường mất 12 tới 24 tuần. Tuy nhiên, thực tế là 4 trong số 8 bình duyệt viên được ProPublica phỏng vấn cho biết chưa từng được gửi bản thảo nào, số khác cho biết đã đồng ý lời mời bình duyệt nhưng quên thực hiện, hoặc không cùng chuyên môn. Hơn nữa, theo cộng tác viên của công ty Lumiere, 65% bài của khách hàng công ty này được tạp chí trên nhận đăng mà không bao giờ yêu cầu chỉnh sửa.
Mặc dù vậy, 1 nữ sinh 17 tuổi tên Sophia được đề cập trong bài không lo ngại sự khác nhau của công bố tạp chí và bản in trước, cô cho rằng điều quan trọng là cô đã có được sự quen biết với hướng dẫn viên của công ty, người cũng đồng thời dạy tại 1 trường kinh doanh thuộc Ivy League. Sophia cũng nói thêm rằng việc có công bố gần như là bắt buộc để ứng tuyển vào các đại học hàng đầu hiện nay. Ví dụ cho nhận xét này là 1 khách hàng dùng dịch vụ nghiên cứu và xuất bản của công ty Athena Education ở Ấn Độ, người này nói được nhận vào bởi 1 đại học hàng đầu thế giới và họ còn khen ngợi bài báo của anh ta, trong khi nhiều ứng viên khác có học lực tốt hơn phải vào các đại học hạng 2. Trên thực tế, có bằng chứng về việc Harvard ưu tiên đáng kể ứng viên có công bố, còn đại học Pennsylvania thì khoe rằng gần 1/3 số sinh viên được tuyển có tham gia nghiên cứu ở trung học, trong khi Yale, Columbia và Brown khuyến khích ứng viên có nghiên cứu.
Hậu quả là hàng loạt bài báo được xuất bản, bao gồm cả nghiên cứu nghiêm túc và nhiều nghiên cứu đáng ngờ mà có thể đã được phụ huynh trả tiền để công bố. Tuy nhiên, điều này không cản trở lợi thế cạnh tranh của học sinh bởi ban tuyển sinh hầu như không thể đánh giá chất lượng các công bố này trong hồ sơ của ứng viên, ngoài việc nhận biết công trình nào đã xuất bản hay chưa. Đơn cử như việc các nhân viên xét tuyển vòng loại tại đại học Stanford thường thiếu thời gian (khoảng dưới 10 phút cho 1 hồ sơ) và chuyên môn để xem và đánh giá ý nghĩa, tính mới của các nghiên cứu này, hoặc không am hiểu về giới xuất bản học thuật trung học. Chỉ những hồ sơ nổi bật nhất mới có thể được một nhân viên thứ 2 có hiểu biết về chủ đề đọc qua. Do đó, ban tuyển sinh thường dựa vào thư giới thiệu của người hướng dẫn nghiên cứu của học sinh hơn là nội dung nghiên cứu. Trưởng ban tuyển sinh đại học MIT tin rằng các học giả thường nhận xét khá trung thực và khách quan, kể cả khi họ được trả tiền để hướng dẫn học sinh. Ngoài ra, trưởng ban tuyển sinh của đại học Brown cho rằng các giáo sư của trường cũng có thể đánh giá nghiên cứu này, nhưng đa số họ không muốn bị làm phiền và phí thời gian đọc các nghiên cứu của những đứa trẻ 17, 18 tuổi. Một nhân viên tuyển sinh kỳ cựu khác thuộc Ivy League cho biết số công ty làm dịch vụ nghiên cứu cho học sinh lây nhanh như dịch bệnh, tăng gấp 3 hoặc 4 lần chỉ trong vài năm qua. Người này cảm thán rằng trong khi thần đồng thực sự rất ít, thì lại có vô số ứng viên có các công bố tiên tiến quá sức như nghiên cứu khoa học thần kinh cấp cao khi chỉ là học sinh trung học.
Hơn nữa, nhiều công ty có những hành vi mờ ám như có các mối liên kết không minh bạch với các tạp chí nghiên cứu trung học (tức các tạp chí được tài trợ bởi công ty, hoặc phần lớn nghiên cứu của khách hàng được nhận đăng bởi 1 tạp chí), thổi phồng sai sự thật lý lịch các cố vấn nghiên cứu và tặng quà lại quả cho các chuyên viên tư vấn tuyển sinh đại học giới thiệu khách hàng cho công ty. Các sinh viên không cần có đề tài mà công ty sẽ cung cấp sẵn, cầm tay chỉ việc và thúc giục xuất bản bài báo bất kể kết quả ra sao trong thời gian ngắn. Nhờ các “chuyên gia” mà hầu như bất kỳ nghiên cứu nào cũng được xuất bản trên các tạp chí hoặc bản in trước. Về việc thổi phồng lý lịch, điển hình là công ty Lumiere Education tự quảng cáo rằng dàn cố vấn nghiên cứu tại công ty đều là Tiến sĩ mặc dù họ không có bằng Tiến sĩ, và công ty được sáng lập bởi 2 Tiến sĩ của đại học Oxford và Harvard, trong khi họ chỉ là nghiên cứu sinh Tiến sĩ (công ty đã sửa lại sau phản ánh của ProPublica). Những cố vấn của công ty thường là các Nghiên cứu sinh, và đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra các công bố cho học sinh với tiền công rất hậu hĩnh. Do đó, các công bố của học sinh thường bị nghi ngờ do người khác thực hiện phần lớn. “The Cornell Undergraduate Economic Review”, tạp chí sinh viên của đại học Cornell với tỷ lệ nhận 10%, đã đăng bài báo của học sinh trung học đầu tiên vào năm 2021. Tổng biên tập khi đó của tạp chí ấn tượng rằng tác giả của bài báo đó, vốn là một học sinh khách hàng của công ty Lumiere, đã dùng kỹ thuật Kinh tế lượng nâng cao để thực chứng. Tuy nhiên tổng biên tập sau đó của tạp chí này, Andres Aradillas Fernandez, nghi ngờ bài báo trên được viết bởi 1 cố vấn là Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế. Ngoài ra, ông cũng ác cảm với các dịch vụ nghiên cứu, xuất bản do là sân chơi của học sinh nhà giàu. Do đó, ông đã từ chối nhận đăng nghiên cứu của học sinh trung học.
Cơn sốt dịch vụ nghiên cứu và xuất bản khoa học của học sinh trung học đang ngày càng phổ biến và sẽ ngập tràn trong thời gian tới để đáp ứng cơn khát của học sinh và phụ huynh trong bối cảnh cạnh tranh điên cuồng và bệnh thành tích. Nó làm thoái hóa bản chất về tính nghiêm ngặt, tư duy độc lập và tính mới của nghiên cứu thành 1 loại hàng hóa có thể dễ dàng kinh doanh mua bán được chứ không phải được tôi luyện. Như phát biểu của ông Kent Anderson trong bài viết, học sinh đang được dạy sự hoài nghi và khinh thường đối với nghiên cứu, bởi tiền của cha mẹ chúng có thể mua được đề tài, thuê người khác làm và xuất bản bất chấp kết quả.
====================================
Thông tin bên lề:
* Tạp chí Journal of Student Research ([https://www.jsr.org](https://www.jsr.org/)) được phản ánh trong bài có đăng nhiều nghiên cứu của học sinh trung học Việt Nam tại các trường trung học quốc tế hoặc tư nhân trong nước (một số mà tôi có thể liệt kê như trường TH, Ams, BIS). Một ví dụ về các nghiên cứu này, được vinh danh thành tích công bố “tạp chí học thuật” trên web của trường của học sinh, về khoa học hành vi trong đại dịch, được hướng dẫn bởi 1 cố vấn của công ty Lumiere cũng được đề cập trong bài (hiện là phó giáo sư ngành Kinh tế tại 1 đại học nước ngoài). Ví dụ khác là 1 học sinh trường chuyên ở Bà Rịa-Vũng Tàu làm đồng tác giả với 1 Tiến sĩ ở đại học Tôn Đức Thắng trong 1 công trình đăng trên Journal of Molecular Graphics and Modelling, học sinh này cũng từng tham gia cuộc thi khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia dành cho Học sinh trung học Năm 2018-2019, Khu vực phía Nam (thông tin tôi lấy theo báo đại chúng Tiền Phong).
* Ngoài các công bố nghiên cứu khoa học trung học như trong bài viết, thì các cuộc thi nghiên cứu, viết luận, sáng tạo, v…v hay các bài tôn vinh thành tích học sinh trên báo đại chúng đều có thể được dùng đánh bóng hồ sơ tuyển sinh. Ngoài ra, tình trạng lạm phát điểm trung bình còn có thể gây ra bởi nạn xin, sửa điểm, ngụy tạo để làm đẹp học bạ bên cạnh nguyên nhân khách quan khác như phổ cập đại học và chuẩn giáo dục ngày càng dễ dãi. Những hiện tượng này không chỉ giới hạn cho học sinh trung học mà bao gồm cả với sinh viên săn học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ.
* Các bài tham khảo gần đây về bê bối con ông cháu cha trong giới học thuật Hàn Quốc:
[2019-a] Unjustified Authorship Should Not Be Tolerated, [https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6875438/#B1](https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6875438/#B1)
[2019-b] More South Korean academics caught naming kids as co-authors, [https://www.nature.com/articles/d41586-019-03371-0](https://www.nature.com/articles/d41586-019-03371-0)
[2019-c] Crackdown on listing children as co-authors of research, [https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20191023160207706](https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20191023160207706)
[2021] SNU professors list their children as co-authors of research papers, [https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/07/113_317013.html](https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2023/07/113_317013.html)
[2022] ‘Fake geniuses’ highlight South Korean elite’s obsession with top schools, [https://asianews.network/fake-geniuses-highlight-south-korean-elites-obsession-with-top-schools/](https://asianews.network/fake-geniuses-highlight-south-korean-elites-obsession-with-top-schools/)
Shared link: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6875438/#B1
Statistics:
Likes: 40, Shares: 10, Comments: 2
Like Reactions: 34, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 4, Love Reactions: 0, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0