Alméry Jacqueline – 2023-07-25 04:13:25
Một số nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, trong một số lĩnh vực, **ít nhất một phần tư các thử nghiệm lâm sàng có thể có vấn đề hoặc thậm chí hoàn toàn bịa đặt**.
Có bao nhiêu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên các tạp chí y khoa là giả mạo hoặc sai sót nghiêm trọng? Vào tháng 10 năm 2020, John Carlisle đã báo cáo một ước tính gây sửng sốt.
Carlisle, bác sĩ gây mê làm việc cho Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh, nổi tiếng với khả năng phát hiện dữ liệu gian lận trong các thử nghiệm y khoa. Ông cũng là biên tập viên của tạp chí Anaesthesia. Năm 2017, Carlisle quyết định kiểm tra tất cả các bản thảo báo cáo kết quả thử nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) — tiêu chuẩn vàng của nghiên cứu y học – mà ông đã xử lý. Trong ba năm, ông đã xem xét kỹ lưỡng hơn 500 nghiên cứu.
Trong hơn 150 thử nghiệm, Carlisle có quyền truy cập dữ liệu đã ẩn danh tính của từng người tham gia (IPD). Bằng cách nghiên cứu các bảng dữ liệu IPD, ông đánh giá rằng 44% các thử nghiệm này chứa ít nhất một số dữ liệu sai sót: chẳng hạn như số liệu thống kê không khả thi, tính toán sai, các con số trùng lặp. Và **26% bài báo có vấn đề nghiêm trọng đến mức không thể tin tưởng vào thử nghiệm**, ông đánh giá – có thể là do các tác giả không đủ năng lực, hoặc do họ đã làm giả dữ liệu.
Carlisle gọi những nghiên cứu này là thử nghiệm ‘thây ma’ vì chúng trông giống như nghiên cứu thực sự, nhưng xem xét kỹ lưỡng hơn cho thấy chúng thực sự là những cái vỏ rỗng, giả dạng thông tin đáng tin cậy. Ngay chính Carlisle cũng ngạc nhiên bởi sự phổ biến của chúng. “Tôi dự đoán có thể là một phần mười nghiên cứu RCT thuộc loại thử nghiệm thây ma”, ông cho biết.
Tuy nhiên, khi Carlisle không thể truy cập dữ liệu thô của thử nghiệm, ông chỉ có thể đánh giá thông tin tổng hợp trong các bảng tóm tắt. Ông ước tính chỉ 1% trong số các nghiên cứu này là thây ma và 2% có dữ liệu sai sót. Phát hiện này cũng khiến ông lo lắng: nó mang hàm ý rằng, nếu không có quyền truy cập vào IPD – điều mà các biên tập viên tạp chí thường không yêu cầu và chuyên gia bình duyệt không được tiếp cận – ngay cả một người giàu kinh nghiệm như ông cũng không thể phát hiện ra những sai sót tiềm ẩn.
Carlisle viết trong báo cáo của mình: “**Tôi nghĩ các tạp chí nên cho rằng tất cả các bài báo gửi đến đều có khả năng sai sót** và các biên tập viên nên đánh giá dữ liệu về từng bệnh nhân trước khi xuất bản các thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên có đối chứng”.
Carlisle từ chối công bố mọi thử nghiệm thây ma. Nhưng đến nay, gần ba năm sau, hầu hết đã được đăng trên các tạp chí khác – đôi khi chứa dữ liệu khác với những dữ liệu được gửi cùng bản thảo đến tạp chí của ông. Carlisle đang viết thư cho các biên tập viên tạp chí để cảnh báo họ, nhưng rất ít hi vọng các tạp chí sẽ quan tâm.
Những phát hiện của Carlisle trong chuyên ngành gây mê có mở rộng sang các lĩnh vực khác không? Trong nhiều năm, một số nhà khoa học, bác sĩ và chuyên gia dữ liệu đã lập luận rằng **các thử nghiệm giả mạo hoặc không đáng tin cậy đang lan rộng một cách đáng sợ**. Họ đã tìm kiếm các RCT trong nhiều lĩnh vực y khoa khác nhau, chẳng hạn như sức khỏe phụ nữ, nghiên cứu cơn đau, gây mê, sức khỏe xương, COVID-19, và phát hiện **hàng chục hoặc hàng trăm thử nghiệm với dữ liệu dường như không khả thi về mặt thống kê**.
Một số người, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ, nói rằng **một phần tư số thử nghiệm không đáng tin cậy có thể là một con số ước lượng còn thấp**. Ian Roberts, nhà dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh Luân Đôn, khẳng định: “Nếu bạn tìm kiếm tất cả các thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên về một chủ đề, thì khoảng **một phần ba số thử nghiệm đó là bịa đặt**”.
Một phần nguyên nhân của tình trạng này là vấn nạn paper mill: trong thập kỷ qua, **các tạp chí trong nhiều lĩnh vực đã xuất bản hàng chục nghìn bài báo bị nghi ngờ là giả mạo, nhiều bài trong số đó do các dịch vụ bán bài báo dỏm sản xuất**.
Nhưng các RCT giả mạo hoặc không đáng tin cậy là một **mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm**. Chúng không chỉ liên quan đến các can thiệp y khoa, mà còn có thể được tẩy rửa để trở nên đáng tin cậy bằng cách được gộp vào vào các phân tích tổng hợp và tổng quan hệ thống – những nghiên cứu tổng hợp các tài liệu để đánh giá bằng chứng cho các phương pháp điều trị lâm sàng. Các hướng dẫn y tế thường trích dẫn những đánh giá như vậy và bác sĩ sử dụng chúng khi quyết định cách điều trị cho bệnh nhân.
Ben Mol, chuyên gia về sản phụ khoa tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc, cho rằng có tới 20–30% số RCT được đưa vào các nghiên cứu tổng quan hệ thống về sức khỏe phụ nữ là đáng ngờ…
Shared link: https://www.nature.com/articles/d41586-023-02299-w
Statistics:
Likes: 32, Shares: 6, Comments: 3
Like Reactions: 30, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0