Duong Tu – 2020-10-10 13:40:43
Trong bài viết trước điểm lại một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy tình trạng đạo văn rất phổ biến trong các luận văn của sinh viên Việt Nam, một trong các nhóm tác giả nhận định rằng “đạo văn không đơn thuần là một hành động “ăn cắp” hay sự lười biếng mà nó còn xuất phát từ các yếu tố văn hóa, giáo dục”: [https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/349943482919157](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/349943482919157).
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này, hãy đặt đạo văn của sinh viên vào bức tranh lớn hơn về trung thực và liêm chính.
Tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Hướng tới Minh bạch, Cơ quan đầu mối tại Việt Nam của Minh bạch Quốc tế vừa công bố Kết quả Khảo sát về Liêm chính trong thanh niên Việt Nam (YIS 2019) sau khi phân tích dữ liệu thu được từ các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 1.638 người, bao gồm 1.173 thanh niên (độ tuổi 15- 30) và 465 người lớn tuổi (độ tuổi 31- 55) tại 12 tỉnh, thành đại diện của Việt Nam: [https://towardstransparency.vn/le-cong-bo-ket-qua-khao-sat-ve-liem-chinh-trong-thanh-nien-viet-nam-yis-2019](https://towardstransparency.vn/le-cong-bo-ket-qua-khao-sat-ve-liem-chinh-trong-thanh-nien-viet-nam-yis-2019).
Báo cáo khảo sát YIS 2019:
– Tóm tắt: [https://towardstransparency.vn/wp-content/uploads/2019/09/YIS-2019_Bao-cao-Tom-tat_VN.pdf](https://towardstransparency.vn/wp-content/uploads/2019/09/YIS-2019_Bao-cao-Tom-tat_VN.pdf)
– Toàn văn: [https://towardstransparency.vn/wp-content/uploads/2019/09/YIS-2019_Bao-cao-Toan-van_VN.pdf](https://towardstransparency.vn/wp-content/uploads/2019/09/YIS-2019_Bao-cao-Toan-van_VN.pdf)
*
Khảo sát YIS 2019 cung cấp một số kết quả chính rất đáng lưu ý như sau.
**1. Nghịch lý trong quan điểm của thanh niên về liêm chính và các giá trị liên quan**
Phần lớn thanh niên được khảo sát có nhận thức tốt về khái niệm liêm chính, và có quan điểm rõ ràng về những gì được coi là đúng hoặc sai. Tuy nhiên, khi đối diện với các vấn đề đạo đức và phải chọn giữa một bên là các giá trị liêm chính và một bên là những thách thức khi thực hành các giá trị đó, lợi ích cá nhân hay lợi thế cho bản thân và gia đình, họ sẽ sẵn sàng thỏa hiệp những nguyên tắc liêm chính của mình.
**2. Mức độ sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng của thanh niên tăng lên**
Khoảng 1/3 thanh niên được khảo sát sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng hoặc phi đạo đức để có được lợi thế cho mình (ví dụ, để qua được một kỳ thi, xin được một loại giấy tờ, vào được một trường tốt hay xin được một công việc).
**3. Cam kết chống tham nhũng của thanh niên đang bị suy giảm**
Mặc dù 80% thanh niên được khảo sát tin rằng thanh niên có thể hành động chống tham nhũng và có vai trò trong việc thúc đẩy liêm chính, chỉ có 50% thanh niên được khảo sát cho biết họ sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Lý do không tố cáo được đưa ra nhiều nhất là “thanh niên không nghĩ rằng tố cáo sẽ có tác dụng”, tiếp sau đó là lý do “lo sợ cho an toàn của bản thân” và “không phải việc của họ”.
**4. Vai trò của gia đình và các cơ sở giáo dục** **trong việc hình thành giá trị liêm chính trong thanh niên đang bị xói mòn**, trong khi hai nguồn thông tin sau đóng vai trò ngày càng gia tăng trong việc hình thành nên quan điểm của thanh niên về liêm chính: Internet (69%) và mạng xã hội (54%).
*
Nhóm thực hiện Khảo sát YIS 2019 nhận định rằng:
a) Thanh niên là trụ cột của đất nước. Họ đại diện cho tương lai của xã hội, mà tương lai đó được hình thành thông qua thái độ và hành vi của họ. Các nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy thanh niên biết rằng tham nhũng là sai trái, họ muốn tố cáo và vạch trần tham nhũng, và họ mong muốn được sống trong một xã hội công bằng, minh bạch và liêm chính. Tuy nhiên, xã hội làm cho thanh niên ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc sống theo những chuẩn mực về liêm chính, khi các chính phủ, cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh và những hình mẫu khác chưa thúc đẩy được một môi trường liêm chính.
b) Giới trẻ Việt Nam ngày càng có xu hướng biện hộ cho hành vi tham nhũng là do họ thường gặp phải tình huống này trong cuộc sống. Đây chính là sự rủi ro tiềm ẩn khi tham nhũng – chứ không phải là liêm chính, đang được thiết lập trở thành một chuẩn mực ở Việt Nam.
c) Các kết quả của Báo cáo 2019 cho thấy sự mâu thuẫn giữa mong muốn được sống trong một xã hội liêm chính của giới trẻ và việc họ sẵn sàng thoả hiệp hoặc thực hiện hành vi tham nhũng vì lợi ích của bản thân hoặc gia đình. Như khảo sát cho thấy, một tỷ lệ đáng kể thanh niên sẵn sàng vi phạm các chuẩn mực liêm chính để giải quyết khó khăn hoặc để có được lợi thế cho chính mình. Thêm vào đó, mức độ sẵn sàng tham gia vào hành vi tham nhũng của thanh niên tăng lên trong năm 2018 là một điều đáng báo động. Trong bối cảnh đó, rất cần sự chung tay hành động của tất cả các bên liên quan nhằm tạo nên một môi trường tạo điều kiện cho liêm chính hình thành và phát triển để giúp người trẻ có thể trải nghiệm và thực hành liêm chính.
*
Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một loạt khuyến nghị để thúc đẩy liêm chính trong thanh niên Việt Nam, trong đó có đề xuất Bộ Giáo dục và các cơ quan liên quan, các trường phổ thông, đại học cần xây dựng hoạt động để nâng cao liêm chính học thuật trong học sinh, sinh viên.
Một đề xuất khác đáng lưu ý là “phụ huynh cần ủng hộ con em mình thực hành liêm chính bằng cách trở thành hình mẫu về liêm chính”. Khảo sát YIS 2019 không nhắc đến một nhóm đối tượng rất quan trọng khác có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần liêm chính của thanh niên, chính là các thầy cô giáo, những người hướng dẫn khoa học cho sinh viên và học sinh.
Thật vậy, cũng giống như phụ huynh, thầy cô và các nhà khoa học cũng cần phải có trách nhiệm làm gương cho học trò và đồng nghiệp trẻ về sự trung thực và liêm chính.
***
Giờ hãy đặt vấn đề liêm chính trong thanh niên vào bức tranh lớn hơn nữa, đó là sự trung thực của người dân trong một quốc gia.
Một công bố trên Nature vào năm 2016 ([https://www.nature.com/articles/nature17160](https://www.nature.com/articles/nature17160)) đã tiến hành thử nghiệm tung xúc xắc nhận thưởng với 2.568 thanh niên tại 23 quốc gia, trong đó có Việt Nam, lần đầu tiên chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa mức độ phổ biến của tham nhũng, trốn thuế và gian lận chính trị ở một quốc gia với sự trung thực của công dân quốc gia đó. Nghiên cứu cho thấy những người tham gia thử nghiệm là công dân của các nước có tỷ lệ tham nhũng, trốn thuế và gian lận chính trị càng cao thì càng kém trung thực: [https://www.nature.com/articles/nature17307](https://www.nature.com/articles/nature17307). Hàm ý quan trọng của nghiên cứu này là tham nhũng không chỉ tước đoạt sự thịnh vượng và tăng trưởng về mặt kinh tế mà còn hủy hoại lòng trung thực của con người.
Kết quả này tương đồng với một công trình nổi tiếng của Dan Ariely – nhà kinh tế học hành vi hàng đầu thế giới tại Duke University – công bố năm 2014. Cũng bằng trò chơi tung xúc xắc có thưởng tiến hành tại thủ đô Berlin của Đức, Dan Ariely và cộng sự phát hiện ra rằng những người có nguồn gốc từ Đông Đức gian lận nhiều hơn hẳn người đến từ phía Tây của bức tường Berlin. Ngoài ra, sống ở Đông Đức càng lâu khiến người ta càng gian lận: [https://econpapers.repec.org/paper/lmumuenec/20974.htm](https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2457000).
*
Image credit: YIS 2019
Statistics:
Likes: 110, Shares: 32, Comments: 17
Like Reactions: 96, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 8, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0