Duong Tu – 2020-10-06 06:39:13
Nhân chị Hanh Pham kể trường hợp một sinh viên Việt Nam tại Anh Quốc phạm lỗi cố tình đánh lừa Turnitin (https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/349171972996308), xin giới thiệu nghiên cứu đầu tiên và có lẽ là duy nhất cho đến nay từ Việt Nam phân tích kết quả kiểm tra đạo văn bằng phần mềm này.
Bài báo “***Vấn đề liêm chính học thuật trong sự nghiệp “trồng người”***” của nhóm tác giả Đại học Hoa Sen và Đại học Thủ Dầu Một đăng tải năm 2016 trên Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Sư phạm TPHCM đánh giá 252 báo cáo tốt nghiệp của sinh viên các hệ cao đẳng, đại học và liên thông thuộc các ngành kế toán, quản trị, ngoại thương và marketing tại một trường đại học: [http://journal.hcmue.edu.vn/index.php/hcmuejos/article/view/459](http://journal.hcmue.edu.vn/index.php/hcmuejos/article/view/459)
Kết quả phân tích cho thấy tính trung bình, các báo cáo này có tỷ lệ trùng lặp (similarity index) với các tài liệu trong cơ sở dữ liệu của Turnitin tới 47,5%, trong đó gần 40% số báo cáo có mức độ trùng lặp từ 50% trở lên. Ngoài ra, không có sự khác biệt về similarity index giữa các ngành, hệ đào tạo hay giới tính.
Từ những kết quả này, nhóm tác giả nhận định rằng “*đạo văn là một thực tế phải thừa nhận trong các báo cáo thực tập tốt nghiệp. Kết quả thống kê chứng tỏ mức độ phổ biến và nghiêm trọng về vi phạm đạo đức trong học thuật ở các bài báo cáo thực tập tốt nghiệp đối với tất cả các nhóm đối tượng, ngành học và chương trình đào tạo*”. Tuy nhiên, cũng theo các tác giả: “*Vấn nạn này không chỉ do lỗi ở sinh viên mà còn do nhiều bên có liên quan như người dạy, người học, chương trình đào tạo, những thể chế quy định hiện hành về chống nạn đạo văn*”.
Đề xuất mà nhóm tác giả đưa ra để hạn chế vấn nạn đạo văn của sinh viên là “*cần chi tiết hóa những hành vi nào được xem là đạo văn cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất, cũng như có những biện pháp đi kèm nếu người học vi phạm nhằm tránh tạo tiền lệ về sau. Thay vì xử lí những vi phạm, thì ưu tiên phương án giảng dạy cho sinh viên cách tránh đạo văn thông qua các chuyên đề*”, đồng thời khuyến nghị các trường cần “*xây dựng bộ quy tắc về liêm chính học thuật*”.
Một năm sau (2017), cũng nhóm tác giả này phân tích bộ dữ liệu mở rộng bao gồm 977 báo cáo của sinh viên tại hai trường đại học (một trường sử dụng Turnitin và một trường không dùng phần mềm này) và công bố kết quả trên tạp chí Journal of Academic Ethics trong công trình “***Academic Integrity in Higher Education: The Case of Plagiarism of Graduation Reports by Undergraduate Seniors in Vietnam***”: [https://link.springer.com/article/10.1007/s10805-017-9279-9](https://link.springer.com/article/10.1007/s10805-017-9279-9). Nghiên cứu này đã được trích dẫn 11 lần.
Kết quả lần này còn đáng báo động hơn: 91,7% số báo cáo của sinh viên tại trường không dùng Turnitin bị đánh giá là đạo văn trong khi ở trường sử dụng phần mềm này, tỷ lệ đạo văn thấp hơn, nhưng vẫn rất cao, ở mức 61,7%. Nguyên nhân đạo văn chính là sinh viên sử dụng thông tin trên Internet mà không trích dẫn nguồn. Từ đó, các tác giả đưa ra những khuyến cáo tương tự như trong bài báo năm 2016.
*
Cũng trong năm 2017, một nhóm giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Huế đã tiến hành khảo sát nhận thức của sinh viên và giảng viên khoa này về đạo văn. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học – Đại học Huế: [http://jos.hueuni.edu.vn/index.php/HUJOS-ED/article/view/4500](http://jos.hueuni.edu.vn/index.php/HUJOS-ED/article/view/4500)
Khảo sát cho thấy “*đa số sinh viên và giảng viên Khoa Du lịch có nhận thức rất rõ về các hình thức đạo văn. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận đã từng thực hiện một trong các hình thức đạo văn*” mà nguyên nhân “*được chia thành hai nhóm bao gồm nguyên nhân bên trong (do thiếu và yếu về kỹ năng nghiên cứu khoa học/ thiếu nhận thức về việc trích dẫn công trình/ công việc của người khác) và nguyên nhân bên ngoài (áp lực, phương tiện Internet, thiếu khuyến cáo từ môi trường/ tổ chức làm việc hay nhà trường)*”.
Các tác giả cũng nhận định rằng “*đạo văn không đơn thuần là một hành động “ăn cắp” hay sự lười biếng mà nó còn xuất phát từ các yếu tố văn hóa, giáo dục*”.
Từ đó, nhóm tác giả đề xuất ba kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức về đạo văn:
1. Tổ chức các khóa học nâng cao hiểu biết về đạo văn và các kỹ năng nghiên cứu khoa học;
1. Sử dụng các công cụ điện tử giúp phát hiện đạo văn;
1. Ban hành các chế tài xử lý khi phát hiện hành vi đạo văn.
*
Một câu hỏi có lẽ sẽ rất thú vị cho một hay nhiều nghiên cứu tiếp theo, đó là có mối tương quan nào giữa tỷ lệ đạo văn của giảng viên và sinh viên hay không. Nói cách khác, liệu trong một môi trường mà các thầy cô liêm chính thì sinh viên có liêm chính theo, và ngược lại, hay không?
*
Image credit: https://img.universitystudent.org/1/4/3368/my-heart-similarity-turnitin-plaigarism-meme.jpg
Shared link: https://img.universitystudent.org/1/4/3368/my-heart-similarity-turnitin-plaigarism-meme.jpg
Statistics:
Likes: 86, Shares: 19, Comments: 19
Like Reactions: 77, Haha Reactions: 4, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 4, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0