Duong Tu – 2020-09-25 23:34:57
VẤN ĐỀ THỂ CHẾ HÓA CÁC QUY TẮC VỀ LIÊM CHÍNH KHOA HỌC TẠI VIỆT NAM
Theo tìm hiểu của tôi, ở Việt Nam hiện nay, mới chỉ có 3 trường đại học đưa ra quy định về liêm chính học thuật bằng văn bản rõ ràng, công khai, đó là Đại học Hoa Sen, Học viện Ngân hàng và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
1. Đại học Hoa Sen là trường tiên phong trong cả nước ban hành quy định về liêm chính học thuật từ tháng 10/2013: https://thuvien.hoasen.edu.vn/vi/gioi-thieu/chinh-sach-van-ban-9.html
Tuy nhiên, quy định này của Đại học Hoa Sen chỉ giới hạn đối tượng áp dụng là sinh viên với 4 hành vi vi phạm liêm chính học thuật được nhắc đến, bao gồm đạo văn, gian lận, giúp người khác vi phạm và bịa đặt.
Quy định của Đại học Hoa Sen không áp dụng cho nhà nghiên cứu của trường với những hành vi misconduct trong quá trình nghiên cứu khoa học và xuất bản bài báo.
2. Mãi đến tháng 2/2019, Học viện Ngân hàng mới là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam đưa ra quy định về liêm chính học thuật mà đối tượng áp dụng không chỉ là sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh mà còn mở rộng cho cả giảng viên và nghiên cứu viên của trường: http://hvnh.edu.vn/pdt/vi/qcdt-quy-dinh-cua-hvnh/quy-dinh-liem-chinh-hoc-thuat-cua-hoc-vien-ngan-hang-143.html
Theo quy định của Học viện Ngân hàng, có 3 nhóm hành vi bị xem là vi phạm liêm chính học thuật: bịa đặt, gian lận; đạo văn; tự đạo văn. Quy định của Học viện Ngân hàng, tuy thế, còn tương đối sơ sài, trong đó hành vi misconduct duy nhất mà giảng viên, nghiên cứu viên bị xử phạt là đạo văn, với tỷ lệ đạo văn từ 20-25% trở lên thì sản phẩm khoa học không được nghiệm thu.
3. Gần đây nhất, vào tháng 11/2019, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) vừa ban hành các quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học mà đối tượng áp dụng chính là công chức, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, rồi mới đến người học tại UEH: https://www.ueh.edu.vn/nghien-cuu/hoat-dong-khoa-hoc/thong-tin/quyet-dinh-ve-viec-thanh-lap-hoi-dong-liem-chinh-hoc-thuat-tai-truong-dai-hoc-kinh-te-tp-ho-chi-minh_55674
Tuy vẫn còn rất khái quát, đây là quy định đầy đủ nhất cho đến nay về liêm chính khoa học tại một cơ sở giáo dục và nghiên cứu tại Việt Nam.
Xin đăng lại nguyên văn các quy tắc này của UEH để các bác tham khảo và thảo luận. Một số lỗi diễn đạt và ngữ pháp là từ văn bản gốc.
Các bác biết thêm trường nào khác cũng có văn bản quy định về liêm chính học thuật xin vui lòng chia sẻ.
***
**NGUYÊN TẮC LIÊM CHÍNH TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC**
(theo quy định 3145/QyĐ-ĐHKT-QLKHHTQT của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)
**Điều 4. Nguyên tắc chung**
Chất lượng và uy tín trong nghiên cứu khoa học là thước đo danh tiếng học thuật của UEH, mà mỗi thành viên tại UEH có trách nhiệm phải giữ gìn, thực thi và tuyên truyền các nguyên tắc chung trong việc bảo vệ đạo đức liêm chính trong khoa học, bao gồm:
1. Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu;
2. Có trách nhiệm khi tiến hành nghiên cứu;
3. Công bằng và chuyên nghiệp khi đồng nghiên cứu với các tác giả khác;
4. Quản lý và bảo vệ tốt việc nghiên cứu khi nhân danh tác giả khác.
**Điều 5. Trách nhiệm của người nghiên cứu**
1. Tính trung thực: Người nghiên cứu phải có trách nhiệm về tính tin cậy trong nghiên cứu của mình.
2. Tuân thủ các quy định: Người nghiên cứu phải nhận thức và tuân thủ các quy định và chính sách liên quan đến nghiên cứu khoa học.
3. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu phải được sử dụng một cách hợp lý, dựa trên các luận cứ khoa học, những phát hiện mới được báo cáo và giải thích một cách đầy đủ, khách quan.
4. Hồ sơ nghiên cứu: Người nghiên cứu có nghĩa vụ lưu trữ đầy đủ, chi tiết, rõ ràng và chính xác quá trình thực hiện và kết quả đạt được sau thời gian nghiên cứu để người khác có thể thẩm định hay tái lập lại kết quả nghiên cứu.
5. Kết quả nghiên cứu: Người nghiên cứu được khuyến khích chia sẻ công khai dữ liệu và kết quả nghiên cứu ngay sau khi nhà khoa học có cơ hội được xuất bản trên các ẩn phẩm trong nước và quốc tế.
6. Quyền tác giả: Danh sách tác giả phải bao gồm tất cả các cá nhân có tham gia, đóng góp vào các hoạt động liên quan đến công trình nghiên cứu, bao gồm xin tài trợ, báo cáo và thuyết trình về nghiên cứu.
7. Lời cảm tạ (Acknowledgement): Người nghiên cứu phải có trách nhiệm ghi nhận đóng góp của các cá nhân hay tổ chức có tham gia vào công trình nghiên cứu, bao gồm tên và vai trò của họ trong việc hỗ trợ nghiên cứu như nhà tài trợ, người đọc và góp ý cho ấn phẩm và những đối tượng liên quan khác, nhưng không phải là đồng tác giả nghiên cứu.
8. Phản biện trước xuất bản (Peer Review): Người nghiên cứu khi tham gia phản biện trước xuất bản phải có trách nhiệm cung cấp các đánh giá một cách công bằng, kịp thời nghiêm ngặt và tôn trọng tính bí mật khi bình duyệt công trình nghiên cứu của người khác.
9. Xung đột lợi ích: Người nghiên cứu nên công khai các xung đột về tài chính hay các vấn đề liên quan có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của nghiên cứu trong các đề cương nghiên cứu, ấn phẩm xuất bản, truyền thông đến công chúng, cũng như trong các hoạt động bình duyệt.
10. Truyền thông công chúng: Người nghiên cứu nên hạn chế bình luận về chuyên môn trong lĩnh vực của mình khi tham gia vào các cuộc thảo luận công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cần tách bạch rõ ràng ý kiến chuyên môn với quan điểm cá nhân khi bàn luận về các dụng dụng và tầm quan trọng của kết quả nghiêm cứu.
11. Báo cáo những vi phạm trong nghiên cứu: Người nghiên cứu cần chuyển các thông tin liên quan đến Hội đồng liêm chính học thuật và Phòng QLKHHTQT [Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế] khi có nghi ngờ về hành vi sai trái trong nghiên cứu, bao gồm giả mạo, chế biến dữ liệu, đạo văn, cũng như những hành vi thiếu trách nhiệm khác như liệt kê sai danh sách tác giả, không báo cáo dữ liệu có mâu thuẫn, hay sử dụng sai phương pháp nghiên cứu.
12. Trách nhiệm với xã hội: Người nghiên cứu cần có nghĩa vụ đạo đức khi cân nhắc những lợi ích đem lại cho xã hội và những rủi ro nghề nghiệp vốn có lên trên những lợi ích cá nhân trong quá trình nghiên cứu.
13. Đối phó với với việc thực hiện nghiên cứu thiếu trách nhiệm: Các đơn vị quản lý, thực hiện nghiên cứu cần phải có các thủ tục để đối phó với những cáo buộc về hành vi sai trái và thiếu trách nhiệm trong công tác nghiên cứu, đồng thời bảo vệ những người đứng ra tố cáo các hành vi như vậy. Một khi hành vi sai trái hoặc việc thực hiện nghiên cứu thiếu trách nhiệm được xác minh, các biện pháp xử lý thích hợp phải được thực thi kịp thời.
***
Đến đây, xin được nhắc lại đề xuất liên quan về sự cần thiết của việc thể chế hóa các quy tắc về liêm chính khoa học của tác giả Vũ Công Giao trong bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 6 (358), tháng 3/2018: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207018
“Để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết mà quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế đang đặt ra với hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước ta, Nhà nước và các trường đại học, viện nghiên cứu cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo đảm liêm chính học tập. Sự quan tâm này cần được thể hiện thành các hành động cụ thể, trong đó bao gồm việc hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, bổ sung các văn bản pháp luật mới, đặc biệt là các quy chế/bộ quy tắc toàn diện, đầy đủ về liêm chính học thuật. Cần thống nhất và cụ thể hoá các tiêu chuẩn; nghiêm cấm và trừng phạt việc mua bán trái phép luận văn, luận án và các sản phẩm học thuật; thắt chặt các quy định về kiểm định, đánh giá, nghiệm thu các sản phẩm học thuật, kết hợp với việc tăng cường phổ biến, giáo dục để bảo đảm tất cả các chủ thể có liên quan hiểu rõ, có ý thức tôn trọng và biết cách áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn về liêm chính học thuật, phòng ngừa những sai sót của bản thân và người khác. Thêm vào đó, cần khuyến khích các nghiên cứu, trao đổi về liêm chính học thuật, bao gồm việc xây dựng các mạng lưới liên kết giữa các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đến vấn đề này”.
Statistics:
Likes: 104, Shares: 10, Comments: 15
Like Reactions: 91, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 11, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0